Khởi sắc nông thôn mới vùng cao xứ Lạng - Bài 2: Gỡ khó trong thực tiễn

Đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 832.000 ha, đất nông nghiệp chiếm khoảng 82% và gần 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, số lượng các xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao. Gặp nhiều thách thức, song công tác xây dựng nông thôn mới ở nhiều vùng quê Lạng Sơn vẫn có những bứt phá với các cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn. 

Chú thích ảnh
Thi công công trình Trường Mầm non xã Chi Lăng. Ảnh: baolangson.vn

Những rào cản

Thực tế công tác xây dựng nông thôn mới tại Lạng Sơn, một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; các nguồn lực xây dựng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Lạng Sơn chưa có sức thu hút. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn chưa đồng đều.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân của những hạn chế trên là do các điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; số lượng các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn chiếm tỷ lệ cao, suất đầu tư lớn, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh còn hạn chế; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu… Mặt khác, một số cấp ủy, địa phương cơ sở chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị và lúng túng trong việc cụ thể hóa Chương trình xây dựng nông thôn mới vào thực tế của địa bàn…

Thấy rõ những vấn đề trên đang là rào cản không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới, Lạng Sơn đã tích cực huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để lãnh đạo chỉ đạo, đi đôi với giám sát, gắn trách nhiệm với nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời khơi dậy tinh thần tự giác, tính tự lực, chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tỉnh vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, Lạng Sơn xác định cán bộ chính là nhân tố quyết định trong tổ chức thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cán bộ cấp cơ sở…

Sáng tạo từ cơ sở

Trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng chuyển mạnh việc trực tiếp chỉ đạo các nội dung cụ thể của Chương trình cho Ban Chỉ đạo cấp cơ sở để chủ động triển khai thực hiện đã phát huy có hiệu quả vai trò chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở, cộng đồng dân cư và người dân trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Chi Lăng là một ví dụ điển hình.

Thời điểm tháng 8/2021, huyện Chi Lăng đã phát động phong trào “Ngày Chủ nhật đỏ chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đây là sáng kiến nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang thông qua việc trực tiếp tham gia cùng người dân với các hoạt động tại ngõ xóm, bản làng.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra mô hình trồng cây mắc ca của anh Hoàng Văn Tiệp, thôn Mỏ Cấy, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, ngày 6/10/2021. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường, phong trào “Ngày Chủ nhật đỏ chung sức xây dựng nông thôn mới” được tổ chức vào ngày Chủ nhật tuần 3 hoặc tuần 4 hàng tháng. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn sẽ trực tiếp cùng người dân lao động, sản xuất, thi công xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; phấn đấu mỗi xã ít nhất một tuyến đường hoa, cây xanh điển hình gắn với mô hình “5 không, 3 sạch”… Chính kết quả thực hiện phong trào trên là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang các cơ quan, đơn vị hàng năm.

Qua thời gian thực hiện, đến nay 100% xã của huyện Chi Lăng đã tích cực hưởng ứng phong trào. Ông Hoàng Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2017, xã Bằng Mạc đã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2021 đạt xã nông thôn mới nâng cao. Ngày Chủ nhật đỏ được triển khai bằng những việc làm thiết thực không chỉ phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của từng cán bộ xã mà còn tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Bởi đường làng, ngõ xóm được xanh sạch, nhiều công trình được xây dựng, tu sửa, người dân hưởng ứng hiến đất vì mục tiêu chung, yên tâm lao động sản xuất.

Chị Lê Thanh Thơm, thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc cho hay: “Để xây dựng thêm phòng học cho các cháu của trường mầm non, năm 2021 gia đình đã hiến hơn 500m2 đất mặt đường rộng, giá trị cao vì ở vị trí trung tâm xã. Khi quyết định hiến đất, các thành viên trong gia đình chỉ có suy nghĩ là vì tương lai của thế hệ sau này, không đắn đo ngần ngại”.

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền nhiều địa phương khác trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo và mang lại hiệu quả tiêu biểu. Đơn cử như huyện Văn Lãng huy động được sự vào cuộc của người có uy tín trong cộng đồng để cùng thực hiện tuyên người dân tham gia hiến đất để xây dựng các công trình nông thôn mới, dự án phục vụ dân sinh. Huyện Đình Lập chủ động lồng ghép, phân bổ nguồn lực để xây dựng các công trình cho các tiêu chí hạ tầng…

Cũng chính từ đây, nhiều tấm gương về hiến đất, quyên góp, ủng hộ hay những sáng kiến, sáng tạo mới được phát hiện và nhân rộng.

Bài cuối: Người dân là chủ thể

Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Khởi sắc nông thôn mới vùng cao xứ Lạng - Bài cuối: Người dân là chủ thể
Khởi sắc nông thôn mới vùng cao xứ Lạng - Bài cuối: Người dân là chủ thể

Là địa phương có xuất phát điểm thấp, số xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao, song với quan điểm xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, lấy người dân là chủ thể thụ hưởng cùng sự vào cuộc, đồng lòng của hệ thống chính trị và xã hội, Lạng Sơn đã thu được nhiều thành tựu ấn tượng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN