Để thực hiện đề án, tỉnh cần hơn 10 nghìn tỷ đồng để triển khai, gồm nguồn ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp cho chương trình, nguồn lồng ghép các chương trình, dự án khác, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hợp tác xã, cộng đồng dân cư…
Để có nguồn vốn đầu tư, tỉnh sẽ tập trung huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực; đồng thời, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn. Tỉnh thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh việc vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, Ninh Thuận tranh thủ các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác để đầu tư cho các dự án phục vụ cho xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng phương án bố trí, sử dụng có hiệu quả từng nguồn lực huy động phù hợp với thực tiễn của địa phương; đồng thời đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn huy động được.
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 xây dựng hai huyện Ninh Sơn và Thuận Nam đạt chuẩn huyện nông thôn mới; duy trì, giữ vững chất lượng huyện nông thôn mới đối với hai huyện Ninh Hải và Ninh Phước; xây dựng huyện Ninh Hải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Ninh Phước cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Tỉnh sẽ cơ cấu lại sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; lồng ghép, thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 và đề án nhân rộng hợp tác xã kiểu mẫu; thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Đến cuối năm 2022, Ninh Thuận đã có 29/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hai huyện (Ninh Phước và Ninh Hải) đạt chuẩn nông thôn mới.