Xác định mục tiêu, tiêu chí phù hợp
Để xây dựng nông thôn Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND ngày 8 tháng 8 năm 2022 về việc ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã giành được nhiều thành tựu nổi bật, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch...
Năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết mới (Nghị quyết số 06) để tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định cụ thể mục tiêu, tiêu chí phù hợp giai đoạn tiếp theo làm căn cứ cho các địa phương thực hiện.
Nghị quyết số 06 xác định, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Để các địa phương trong tỉnh bám sát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025; trong đó quy định: Xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 phải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người từ 103 triệu đồng trở lên; có ít nhất một mô hình thôn/xóm nông thôn mới thông minh. Đặc biệt là phải đạt ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội về: Sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự, chuyển đổi số...
Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, để xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Nam Định tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: Giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch, môi trường; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng... Tỉnh huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở.
Tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa; chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng số lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.
Cùng với đó, Nam Định tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh có 182/204 xã, thị trấn (chiếm 89,2%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 60 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 251 sản phẩm.