Khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim

Ngày 13/4, tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật),… cùng đông đảo nông dân vùng chuyên canh đã tham gia hội thảo.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại Hội thảo.

Vú sữa Lò Rèn là cây trồng đặc hữu đã được tỉnh Tiền Giang đăng ký nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được khẳng định trên thị trường và xuất khẩu sang nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Nga,…

Tuy nhiên, gần đây, các khu vườn vú sữa Lò Rèn Vinh Kim đã đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, bị bệnh khô cành, thối rễ… Thống kê đến cuối năm 2016, Tiền Giang chỉ còn trên 3.100 ha vú sữa, giảm trên 800 ha, chủ yếu do những nguyên nhân kể trên.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Qua nghiên cứu, khảo sát, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thoái, khô cành thối rễ và chết cây vú sữa.

Để giúp khôi phục sản xuất, bảo đảm vườn cây phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ, các cấp, các ngành cần tiến hành điều tra hiện trạng canh tác vú sữa, xác định những nguyên nhân và tác nhân gây hại để có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Trước mắt, thực hiện các mô hình canh tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cần thiết để chặn đứng dịch bệnh và tạo điều kiện cho vườn cây phục hồi trở lại. Về lâu dài, cần nghiên cứu các kỹ thuật xử lý ra hoa thích hợp, kỹ thuật nhân giống, biện pháp thâm canh tiên tiến…giúp cây vú sữa khỏe, cho năng suất và sản lượng cao.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế (Viện Cây ăn quả Miền Nam) đề xuất các giải pháp kỹ thuật để phục hồi vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Trong đó, Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh việc đánh giá một cách đầy đủ những tồn tại trong quá trình canh tác của nông dân, cần có khảo sát đúng mức của ngành chức năng về nguyên nhân gây bệnh cũng như suy thoái vườn vú sữa để có biện pháp khắc phục một cách phù hợp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang cũng như nông dân vùng chuyên canh.

Đặc biệt, hướng dẫn nông dân theo dõi, kiểm tra thường xuyên vườn cây để phát hiện sớm bệnh thối rễ trên cây vú sữa và áp dụng qui trình kỹ thuật xử lý được khuyến cáo,…

Để khôi phục và phát triển bền vững cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình.

Quang cảnh Hội thảo.

Trong đó, cần chú trọng đầu tư cải tạo và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất kết hợp tập huấn khuyến nông, chuyển giao qui trình canh tác tiên tiến cho nông dân chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Cụ thể, đối với vườn trồng mới phải bảo đảm các khâu thiết kế vườn, quy trình kỹ thuật lên líp, chọn giống tốt, mật độ trồng, tỉa cành tạo tán và tỉa thưa trái trong suốt thời gian từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đối với vườn đã bị suy kiệt cần đánh giá mức độ và nguyên nhân, bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường bón phân hữu cơ, bón vôi, sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo đất.
 
Nông dân Trương Văn Bé Năm, cư ngụ tại xã Bàn Long, Châu Thành chia sẻ kinh nghiệm thâm canh vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt hiệu quả, cho năng suất và sản lượng cao vừa kéo dài tuổi thọ cây. Đó là quan tâm áp dụng đồng bộ các qui trình kỹ thuật thâm canh đã được các nhà khoa học hướng dẫn, trong đó coi trọng giải pháp tỉa cành, tạo tán, tỉa thưa trái, vệ sinh vườn, bón phân hợp lý…

Kết luận hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết UBND tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến của các nhà khoa học, các cấp, các ngành và nhân dân. Trên cơ sở đó, địa phương đúc kết thành qui trình sản xuất cụ thể, phổ biến rộng rãi trong nhân dân để cùng áp dụng hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh coi trọng đề xuất của các nhà khoa học, có chính sách hỗ trợ nông dân vùng chuyên canh một cách thiết thực về nhiều nội dung, từ trồng, chăm sóc, hình thành các hợp tác xã kiểu mới nhằm gắn kết giữa sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị…

Từ đó, bảo đảm quyền lợi người nông dân, hiệu quả kinh tế cũng như khẳng định được thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim mà tỉnh tạo dựng trong nhiều thập kỷ qua.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Vú sữa Việt Nam đã chính thức nhập khẩu vào thị trường Mỹ
Vú sữa Việt Nam đã chính thức nhập khẩu vào thị trường Mỹ

Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Mỹ (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đăng Công báo Liên bang cho biết quả vú sữa tươi của Việt Nam đã chính thức được chấp thuận nhập khẩu vào thị trường Mỹ và quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN