Đây là cao tốc trục ngang đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cao tốc dài hơn 188 km, điểm đầu kết nối Quốc lộ (QL) 91 thuộc TP Châu Đốc (An Giang), điểm cuối giao QL Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Dự án có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, vận tốc thiết kế 100 km/giờ giai đoạn I. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Cao tốc chia thành 4 tiểu dự án: Dự án thành phần 1 qua tỉnh An Giang và TP Cần Thơ, dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư gần 13.800 tỷ đồng; dự án thành phần 2 qua TP Cần Thơ, dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; dự án thành phần 3 qua tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng; dự án thành phần 4 qua tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm ĐBSCL qua 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển ĐBSCL, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, khi cao tốc hoàn thành, người dân 4 địa phương lân cận không phải đi vòng vèo, đường nhỏ hẹp, tiết kiệm thời gian.