Các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bản lẻ xăng dầu còn lại mặc dù đã thực hiện hóa đơn điện tử nhưng chưa thực hiện được việc lập hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hoá đơn với trường hợp bán lẻ xăng dầu đã khá đầy đủ. Theo đó, khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử nêu rõ Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Cùng với đó, điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định: Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Đáng chú ý, điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày.
Như vậy, theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì kể từ ngày 1/7/2022, các quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ chính thức được áp dụng. Triển khai quy định nêu trên, cùng sự ủng hộ, đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, từ ngày 1/7/2022, toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, ngành thuế tăng cường phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ áp dụng xuất hóa đơn điển tử cho từng lần bán hàng. Việc triển khai hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng có những khó khăn nhất định như chi phí, thói quen người tiêu dùng. Ghi nhận thực tế cho thấy, người đi xe máy chưa có thói quen lấy hóa đơn mỗi lần mua xăng.
Tổng cục Thuế cho biết, có tình trạng doanh nghiệp cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng bán trong ngày, hoặc xuất một hóa đơn theo tuần, tháng... Thậm chí, bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách
Để thực hiện lập hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính đã vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo quản lý sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm, nhận thức về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, đặc biệt là quy định về lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan ban ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của tất cả các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương; làm việc với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp. Từ đó, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Đặc biệt, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới về hóa đơn điện tử nói chung và hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu nói riêng nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu..., đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu ngân sách nhà nước.
“Để thực hiện thành công mục tiêu này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai, tạo thói quen tiêu dùng văn minh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Bộ Tài chính cho biết.
Trước đó, ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 1284/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.