Phường Hải Bình là nơi có nhiều nhiều người dân làm muối, đây là nghề đã gắn bó với các hộ dân hàng chục năm qua. Thời gian trước, nghề làm muối đã giúp người dân kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống, thế nhưng khoảng 7 năm trở lại đây thị xã Nghi Sơn có nhiều dự án, công trình được xây dựng và nhiều người dân đã được nhận tiền bồi thường nhưng do mức giá bồi thường thấp nên chưa thể tìm hướng phát triển kinh tế mới.
Thu nhập từ làm muối chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/người/năm và điều này khiến nhiều diêm dân phải bỏ hoang số diện tích ruộng muối còn lại để đi tìm việc khác mưu sinh. Số lao động đang còn độ tuổi đã xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp, còn người già vẫn đang loay hoay tìm việc làm mới.
Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, thôn Đoan Hùng, phường Hải Bình cho hay, ông làm muối được 30-40 năm, trước đây nghề muối còn kiếm đủ tiền phục vụ cuộc sống. Nhưng vài năm gần đây giá muối xuống quá thấp, người dân chỉ thu nhập được 6 triệu/năm nên nhiều thanh niên đã bỏ nghề đi làm nghề khác mưu sinh. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi còn có thể kiếm việc khác, còn người già như ông chưa biết xin việc vào đâu.
Bà Lê Thị Hoa, thôn Đoan, phường Hải Bình cho biết, thời gian gần đây, bà không còn làm muối vì đất ruộng muối bị ảnh hưởng bởi công trình và dự án thi công. Sau khi ngừng sản xuất muối, nhiều hộ dân trong độ tuổi lao động đã đi làm công nhân các khu công nghiệp hoặc làm nghề khác nhưng bà không thể tìm được việc làm do quá tuổi lao động. Hiện có chủ trương thu hồi đất muối, gia đình có 500.000 m2 được bồi thường với giá đền bù hơn 6.000 đồng/m2. Đây là mức giá quá thấp và bà mong muốn nhà nước hỗ trợ, tăng giá bồi thường những diện tích đất làm muối bị thu hồi và tìm việc làm mới cho người dân.
Tại đồng muối thuộc phường Hải Bình, quanh khu vực này nước đen ngòm, cơ sở hạ tầng làm muối đã xuống cấp, giếng làm muối hư hỏng. Nhiều diêm dân không có nghề phụ cuộc sống khó khăn. Hiện phường Hải Bình đã thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng hơn 20 ha diện tích làm muối.
Theo ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình cho biết, phường có hơn 40 ha diện tích đồng muối, hiện đang chờ quy hoạch khu tái định cư Hải Hà giai đoạn 2 với trên 20 ha, các diện tích còn lại UBND tỉnh Thanh Hóa đang quy hoạch xây dựng khu đô thị Hải Bình. Ngoài ra, mỗi năm phường được tỉnh cấp gần 2 tỷ đồng để thực hiện bồi thường cho các hộ dân có diện tích đồng muối phải thu hồi, tính đến tháng 12/2021 phường đã tri trả cho 200 hộ, hiện còn 400 hộ với diện tích hơn 20 ha chưa được đền bù.
Hiện UBND phường Hải Bình đã làm tờ trình báo cáo UBND thị xã, UBND tỉnh để tới đây đền bù, giải phóng mặt bằng nốt diện tích đồng muối còn lại. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư sớm thu hồi toàn bộ diện tích đất để các hộ dân nhận tiền đền bù, chuyển đổi nghề nghiệp, định hướng cho nhân dân trong độ tuổi từ 48 trở lên làm các nghề như thợ mộc, chế biến thủy hải sản, làm công nhân...
Theo báo cáo của Ban giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn, những diện tích đồng muối đang còn thuộc phường Hải Bình là 23 ha, phường Hải Thượng 7,8 ha, phường Hải Châu 20 ha, trong những năm vừa qua thị xã đã hỗ trợ bồi thường những hộ dân có diện tích đất làm muối trong quy hoạch với đơn giá hỗ trợ là 5.288-6.100 đồng/m2. Trong năm 2022, UBND thị xã Nghi Sơn sẽ thực hiện kiểm kê, hỗ trợ diện tích đất sản xuất muối còn lại cho hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng còn lại trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Bích- Phó giám đốc Ban giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn cho biết, hiện nay nghề làm muối của bà con không sản xuất được, trong khi giá muối lại quá rẻ, nếu đầu tư làm tiếp sẽ tốn kém. Để hỗ trợ diêm dân, thời gian tới thị xã Nghi Sơn sẽ kêu gọi nhà đầu tư tuyển dụng lao động đang sản xuất muối, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công an việc làm, ổn định đời sống người sản xuất muối.
Theo ông Hoàng Việt, Trưởng phòng chế chiến và thương mại nông sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng diện tích đồng muối còn lại trên địa bàn là 150 ha, dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 địa bàn không còn diện tích sản xuất muối.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tận dụng diện tích đất chưa chuyển đổi để sản xuất muối tại thị xã Nghi Sơn và huyện Hậu Lộc với sản lượng muối toàn tỉnh khoảng 12.000-13.000 tấn/năm, lao động chủ yếu là người già, trẻ em.
Thời gian tới, đối với các diện tích còn lại đang được sử dụng làm muối, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương có lao động làm nghề muối để lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ diêm dân, hỗ trợ kinh phí hỗ trợ hợp tác xã củng cố đê bao, kênh mương, đáp ứng nhu cầu sản xuất muối, tạo điệu kiện và thúc đẩy tiêu thụ muối cho diêm dân để họ ổn định đời sống.