Đây là một số những giải pháp cứng rắn mà địa phương này sẽ thực hiện để nâng cao nhận thức cho ngư dân đánh bắt tại các vùng biển giáp ranh với lãnh hải của các quốc gia khác, nhằm ngăn chặn việc khai thác trái phép vùng biển nước ngoài theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo ngành nông nghiệp Khánh Hòa, từ tháng 10/2018 đến nay Khánh Hòa đã không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU đều được các cơ quan quản lý kịp thời phát hiện và nhắc nhở, xử lý. Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, năm 2020 đơn vị này ghi nhận có 109 trường hợp có dấu hiệu vi phạm IUU, quý I/2021 có 17 trường hợp và đã gửi hồ sơ để các cơ quan chức năng xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.
Các dấu hiệu vi phạm thường gặp như: sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định…
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ thì từ năm 2017 đến nay để phòng chống khai thác IUU, Cảng đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, tập huấn cho chủ tàu cá, ngư dân, song để có tác động và chuyển biến rõ nét hơn thì đối với những tàu cá, chủ tàu, ngư dân khi có dấu hiệu vi phạm cảng sẽ lập hồ sơ, thủ tục để gửi sang các cơ quan chức năng như Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa xác minh, làm rõ và xử lý để không xảy ra các vi phạm về khai thác IUU.
Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cũng cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông, tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác bất hợp pháp tại các cảng cá, các xã, phường ven biển, khu vực có nghề cá trọng điểm cho chủ tàu, ngư dân, thuyền trưởng và các doanh nghiệp nắm biết ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước để không vi phạm vùng biển nước ngoài trong khi khai thác.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất - nhập bến, cũng như trên các vùng biển thuộc quản lý của tỉnh kịp thời phát hiện ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. Thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác theo quy định.
Khánh Hòa hiện có hàng nghìn tàu cá đang hoạt động; trong đó có 747 tàu có chiều dài từ 15 trở lên, với tổng sản lượng thuỷ sản khai thác bình quân hàng năm đạt 96.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh này có 4 cảng cá gồm Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương và Đại Lãnh; trong đó có cảng Hòn Rớ được công bố là cảng chỉ định thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; với trung bình hàng tháng số lượt tàu cá cập bến và rời bến hơn 300 lượt.
Các Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá đã tổ chức thực hiện nghiêm túc hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo Thông tư 21 và Thông tư 13 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, năm 2020 các đơn vị trên đã kiểm tra khoảng 3.500 lượt tàu cá rời cảng, cập cảng. Đã kiểm tra xác nhận nguyên liệu thuỷ sản 135 lô hàng/3.530 tấn hải sản; Cấp chứng nhận thuỷ sản khai thác: 473 lô /3.615 tấn hải sản, trong đó EU: 262 lô; thị trường khác 211 lô.
Riêng quý I năm 2021 đã kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá 410 lượt, với sản lượng là 554 tấn. Đã xác nhận nguyên liệu thuỷ sản: 11 lô /230 tấn hải sản; cấp chứng nhận thuỷ sản khai thác: 27 lô /424,7 tấn hải sản, trong đó EU: 26 lô; thị trường khác 1 lô.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai lắp đặt được 649/747 thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt tỷ lệ 87%.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đồng thời, hướng dẫn Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản thực hiện các giải pháp để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại các cảng cá. Đã có 500/747 tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 67%...
Để thực hiện có hiệu quả chống khai thác trái phép theo IUU, tỉnh Khánh Hòa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có văn bản cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ lắp đặt và cước phí thuê bao sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra trên các vùng biển giáp ranh để kịp thời hỗ trợ cho các tàu cá gặp sự cố khi hoạt động khai thác ở vùng biển xa. Sớm đàm phán phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan nhằm quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển tốt hơn, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép.
Đối với Tổng cục Thủy sản chỉ đạo Trung tâm thông tin thủy sản sớm khắc phục lỗi mất tín hiệu kết nối trên Hệ thống giám sát tàu cá và nâng cấp thêm tính năng cảnh báo ranh giới giữa các vùng khai thác (vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi). Cũng như sớm triển khai thí điểm phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử, nhằm phục vụ tốt hơn trong xác nhận và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.