Để có được kết quả tích cực này ngoài những giải pháp của Chính phủ còn có sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về những yếu tố góp phần tạo nên thành công của Thương hiệu quốc gia cũng như định hướng để khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Việt Nam không chỉ được thế giới đánh giá là điểm sáng trong bức tranh phục hồi mà còn trong xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Đặc biệt, nhiều thương hiệu hàng đầu của Việt Nam đã dần bắt nhịp với xu thế toàn cầu. Ông nhìn nhận về vấn đề này ra sao?
Thế giới có những đánh giá tích cực như vậy là do chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ trong hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, góp phần tạo ra uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng đó, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị và vị trí của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Đặc biệt, thời gian qua, bất chấp những khó khăn, thách thức , cùng những hệ lụy tiêu cực của xung đột kinh tế, địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường truyền thống của dân tộc đã giúp sản phẩm, doanh nghiệp nâng tầm vị thế, khẳng định được giá trị, chất lượng cũng như thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã triển khai đúng hướng, góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và đưa Việt Nam lọt vào nhóm các quốc gia có thương hiệu mạnh trên thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi quốc gia có nhiều doanh nghiệp và thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng nâng tầm Thương hiệu Quốc gia. Theo ông, thương hiệu có vai trò quan trọng thế nào trong chiến lược cạnh tranh và phát triển của mỗi doanh nghiệp, ngành, địa phương và quốc gia?
Thương hiệu là một khái niệm trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị, được tạo nên bởi tổng hòa nhiều yếu tố, không chỉ là tên gọi hoặc hình ảnh mà còn thể hiện giá trị về nhận thức và uy tín của chủ thể sở hữu thương hiệu.
Đối với doanh nghiệp, thương hiệu có vai trò nhận diện và phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác, thúc đẩy khách hàng lựa chọn sản phẩm và xây dựng lòng tin với khách hàng/đối tác. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế. Đối với khách hàng, thương hiệu giúp xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, thể hiện đặc tính và thuộc tính của sản phẩm.
Khi xây dựng chiến lược cạnh tranh và phát triển, mỗi doanh nghiệp, ngành, địa phương và quốc gia đều nghiên cứu, đánh giá để xác định tiềm năng, thế mạnh để phát huy những giá trị cốt lõi, tạo nên thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, thương hiệu của doanh nghiệp, ngành, địa phương và quốc gia có mối quan hệ hữu cơ, mang tính tác động qua lại và có sự liên quan, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau.
Một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với sản phẩm chất lượng và ngành kinh tế phát triển cùng nhiều đặc sản đặc trưng mang tính vùng miền sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của quốc gia đó. Ngược lại, khi thương hiệu của một quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế lại tạo ra bảo chứng về uy tín cho doanh nghiệp, ngành, địa phương của quốc gia đó. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.
Trong quá trình xây dựng và định vị thương hiệu, ông có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam?
Quá trình xây dựng và định vị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có thể thấy, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp chủ yếu thường tập trung phát triển quy mô sản xuất nhằm tăng năng suất và sản lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Hơn nữa, do nhận thức chưa đầy đủ nên trong cơ cấu đầu tư cũng chưa giành nhiều nguồn lực xứng đáng cho xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là khoản đầu tư để phát triển bền vững mà chỉ xem là khoản chi phí phải trả và tìm cách tiết giảm.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng nhưng không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là thị trường nước ngoài đã bị đối thủ cạnh tranh đăng kí mất. Việc đòi lại quyền lợi và thương hiệu gặp không ít khó khăn, việc chứng minh sẽ rất phức tạp, tốn chi phí, mất nhiều thời gian.
Một số doanh nghiệp có nhận thức và kế hoạch đầu tư cho xây dựng và phát triển thương hiệu nhưng năng lực thực hiện còn hạn chế từ khâu thiết kế, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng cho đến chiến lược marketing, quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ra thị trường...
Nhằm tạo vị thế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xin ông cho biết những giải pháp của Bộ Công Thương trong xây dựng và phát triển thương hiệu?
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, để từ đó có sự quan tâm giành nguồn lực đầu tư xứng đáng. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không phải của một bộ, ngành, địa phương hay tổ chức nào.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu ngành sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó cần quan tâm hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan; trong đó, chú trọng vấn đề cốt lõi là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định, có tính bền vững và kinh doanh văn hóa, đạo đức và uy tín.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế; trong đó, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Cuối cùng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 cấp độ thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương, ngành hàng và thương hiệu doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!