Theo đó, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải đảm bảo triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mức và thời gian hỗ trợ…
Về quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, mỗi lao động có hợp đồng sẽ được hưởng mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Người lao động gửi đơn đề nghị hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo biểu mẫu được hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu. Thời gian nhận mức hỗ trợ kể từ ngày nộp hồ sơ là 10 ngày đối với mỗi lao động có đủ điều kiện. Nếu trường hợp nào còn vướng mắc, không đủ điều kiện đều được thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các quy định, hướng dẫn, đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện Nghị quyết. Bước đầu các chính sách hỗ trợ đã được thực thi hiệu quả: giảm đóng một số dịch vụ bảo hiểm đối với doanh nghiệp; hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, đến nay Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang đã thông báo cho 3.695 đơn vị được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 211.565 lao động với số tiền giảm trên 62 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến cho toàn bộ
cán bộ chi nhánh để triển khai, tập huấn nghiệp vụ cho vay với người sử dụng lao động; đồng thời, gửi văn bản tới các đơn vị liên quan để phối hợp triển khai đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhờ đó, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã nhận được 31 hồ sơ đăng ký vay vốn để trả lương cho 19.667 người lao động với số tiền dự kiến vay gần 196 tỷ đồng. Trong đó, 4 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho 449 người lao động, với số tiền dự kiến vay gần 1,9 tỷ đồng; 26 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho 19.103 người lao động do phải tạm ngừng hoạt động, với số tiền dự kiến vay hơn 193 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho 65 người lao động để phục hồi sản xuất, với số tiền dự kiến vay 599 triệu đồng.
Theo ông Hà Quốc Quân, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang, hầu hết hồ sơ đề nghị vay vốn đều đã được thẩm định và chờ giải ngân vào đầu tháng 8, vì đây là thời điểm người sử dụng lao động tiến hành trả lương hàng tháng cho người lao động.
Phó Tổng giám đốc Công ty may Bắc Giang Lưu Tiến Chung cho biết, nhờ có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng nên doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Công ty dự kiến vay trên 13 tỷ đồng/tháng và vay ba tháng liên tiếp không bị tính lãi. Đây là nguồn lực hỗ trợ quan trọng giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.