Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản và chính sách cho người lao động

Dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam một số địa phương còn gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản hàng hóa, có nơi công nhân buộc phải nghỉ việc.

Chú thích ảnh
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phối hợp Sở Công Thương tỉnh tổ chức vận chuyển gần 40 tấn hàng thiết yếu hỗ trợ đồng bào TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Trung Hiếu/TTXVN

Nông sản, hàng hóa tiêu thụ chậm

Trong khi sức mua các loại rau củ tăng thì nhiều loại trái cây và lúa gạo vụ Hè Thu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang gặp khó khăn cả về thu hoạch lẫn tiêu thụ.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, vụ lúa Hè Thu 2021, Đồng bằng sông Cửu Long có 1,56 triệu ha, đến nay mới chỉ thu hoạch được hơn 400.000 ha, trong khoảng 1 tháng tới phải thu hoạch 1,1 triệu ha còn lại.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, hiện nay việc thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu trên địa bàn đang gặp khó khăn khiến giá lúa gạo, đăc biệt là nếp giảm.

Theo đó, các doanh nghiệp xay xát lúa trên địa bàn không thực hiện được “3 tại chỗ” nên phải tạm đóng cửa. Trong khi đó, các thương lái, ghe tàu từ tỉnh khác đến thu mua, vận chuyển cũng rất hạn chế do vướng các chốt kiểm soát và yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19.

Tại Vĩnh Long, Sóc Trăng cũng đang xảy ra tình trạng đến mùa thu hoạch trái cây nhưng thiếu nhân công và khả năng tiêu thụ chậm hơn những vụ trước.

Trong khi đó, các tỉnh Long An và Tiền Giang đang gặp vấn đề về tiêu thụ trái thanh long do phía Trung Quốc đột ngột thông báo ngừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Vân Nam trong vòng 1 tháng (từ 18/7 - 17/8) chưa rõ lý do.

Hiện tỉnh Bến Tre cũng có một số mặt hàng nông sản có sản lượng lớn cần được hỗ trợ tiêu thụ như: dừa uống nước, dưa hấu, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, tôm thẻ, cá tra, đậu phộng, củ sắn…, nhưng có thể “neo” lại và thu hoạch dần. Nhưng, hiện có khoảng 2.000 tấn nhãn xuồng cơm vàng và 500 tấn sò huyết cần khẩn trương được hỗ trợ tiêu thụ.

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, một số hộ nuôi bò sữa ở Sóc Trăng cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sữa vì vận chuyển đi lại khó khăn do giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hợp tác xã Evergrowth, đơn vị thu mua sữa bò chủ lực cho người dân thì từ tối qua (22/7), hợp tác xã đã được cấp thẻ "luồng xanh" để tiếp tục thu mua sữa bò của một số hộ nông dân không thể tiêu thụ được sữa tươi trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Không chỉ vướng mắc về tiêu thụ nông sản, hàng hóa nói chung mà vấn đề giải quyết việc làm cho lao động cũng đang là vấn đề nan giải tại các địa phương.

Trong ngày 23/7, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam chuyên sản xuất giày thể thao cho các nhãn hàng lớn ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh phát đi thông báo đến toàn bộ 56.000 công nhân về việc công ty dừng sản xuất, thực hiện theo phương án tiếp tục thời gian giãn cách của thành phố.

Thông báo trên được áp dụng cho toàn thể công nhân, người lao động trong công ty, ngoại trừ những người làm việc ở vị trí thiết yếu, duy trì vận hành trong nhà máy nhưng thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam sẽ chính thức tạm dừng sản xuất từ ngày hôm nay đến hết ngày 1/8.

Linh hoạt điều tiết, hỗ trợ các địa phương vùng dịch

Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam, ngày 23/7, Tổ công tác tiền phương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp trực tuyến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành về việc, điều tiết tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại chỗ và hỗ trợ các địa phương khác trong vùng dịch.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay sản lượng rau quả của tỉnh đảm bảo cân đối giữa tiêu thụ tại chỗ và cung ứng cho các vùng dịch như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung. Hiện nay giá nhiều mặt hàng rau củ tại chỗ đã tăng từ 30 - 70% do nhu cầu tiêu dùng tăng và các chi phí khác cũng tăng theo.

Để đảm bảo cung ứng đủ cho các địa phương trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã thống kê danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng cung ứng  số lượng lớn rau, củ để các đơn vị phân phối ở địa phương khác có thể kết nối trực tiếp khi cần.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Kiên Giang… đều cho biết, nguồn nông sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu thụ của địa phương và có dư một phần để cung ứng cho TP Hồ Chí Minh.

Thống kê của Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, sản lượng rau củ toàn miền Nam dự kiến đạt 10,7 triệu tấn/năm. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mỗi tháng cung cấp cho thị trường 430.000 tấn rau củ. Ngoài việc cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của khoảng 18 triệu người vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 10 triệu người ở TP Hồ Chí Minh, mỗi tháng vẫn còn dư 100.000 tấn phục vụ các khu vực khác và xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn chung tại nhiều địa phương là việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi vẫn còn bị thắt chặt. Có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản do vướng quy định về đi lại, xét nghiệm COVID-19. Ngoài ra, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến cũng đang phải tạm dừng do có người nhiễm COVID-19.

Do đó, Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét, mở cửa một phần các chợ đầu mối, các địa phương khác cũng nghiên cứu cho mở các điểm tập kết hàng để trung chuyển nông sản, thực phẩm đến nơi tiêu thụ.

Về tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi bò tại Sóc Trăng, ông Đào Đắc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên cho biết, có khoảng 60 hộ khó khăn trong tiêu thụ sữa bò nhưng hiện nay, việc tiêu thụ đã được tháo gỡ, xe chở sữa của hợp tác xã đã được cấp phép vào "luồng xanh" và bắt đầu thu mua sữa trở lại.

Theo ông Trương Văn Đúng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng có hơn 10.000 con, được nuôi tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành, thành phố Sóc Trăng. Trong mấy ngày vừa qua, ngoài khoảng 60 hộ bị ảnh hưởng không tiêu thụ được thì trên 3.000 hộ nuôi bò sữa còn lại vẫn được thu mua sữa bình thường. Ngay sau khi nắm tình hình, sở đã trao đổi với các ngành liên quan và đã sớm tháo gỡ kịp thời cho người dân.

Đối với việc 56.000 công nhân tạm nghỉ việc do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam dừng sản xuất, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam cho biết, để đảm bảo đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, công ty thực hiện chi trả theo mức lương tối thiểu vùng cho những ngày ngừng việc cách ly phòng dịch. Đồng thời, khuyến nghị công nhân, người lao động nghỉ ngơi ở nhà, phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, không đến nơi công cộng, hạn chế ra đường hoặc chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.

Hoàng Tùng/TTXVN (Tổng hợp)
An Giang lập Tổ phản ứng nhanh và đường dây nóng hỗ trợ tiêu thụ nông sản
An Giang lập Tổ phản ứng nhanh và đường dây nóng hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Sáng 23/7, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết đã ký Quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh và bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN