Khan hiếm nguyên liệu chế biến thủy sản

Thiếu nguyên liệu chế biến là nỗi lo thường trực với doanh nghiệp ngành thủy sản và những ảnh hưởng do hạn mặn đầu năm đã khiến các doanh nghiệp càng thiếu nguyên liệu trầm trọng hơn.

Thiếu hụt 30 - 40%

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tính đến thời điểm tháng 8/2016, diện tích nuôi mới cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 26%, diện tích thu hoạch cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tỉnh có vùng nuôi cá tra, đã có 9 tỉnh diện tích nuôi mới giảm mạnh như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ... Hiện cá trong dân đã hết và các doanh nghiệp muốn có nguyên liệu để chế biến phục vụ cho xuất khẩu phải tự tìm kiếm các nguồn khác như nhập khẩu, cá tự nuôi...

Thiếu hụt nguyên liệu đang đe dọa đến vị trí top đầu trong xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam.

Tương tự, con tôm cũng không mấy khả quan hơn khi các doanh nghiệp chế biến đang đau đầu với bài toán thiếu hụt nguyên liệu chế biến. Tại những tỉnh trọng điểm về nuôi tôm như Cà Mau, Sóc Trăng... các tháng đầu năm nay, nhiều vựa nuôi tôm trên địa bàn không đủ nguồn hàng cung ứng cho các nhà máy, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn. Chỉ tính tại tỉnh Cà Mau, dù giá tôm tăng cao nhưng đến nay toàn tỉnh cũng chỉ mới xuống giống, thả nuôi khoảng 40% diện tích ao, đầm nuôi tôm công nghiệp.

"Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, hạn mặn kéo dài làm cho những loại thủy sản nuôi trồng chủ lực của ta như cá tra, tôm... dễ bị chết hàng loạt. Trong khi đó, giá thức ăn cho thủy sản đang tăng cao khiến lợi nhuận thu về bị sụt giảm theo đã tác động tiêu cực đến người nuôi", anh Nguyễn Văn Hậu ở huyện Cái Nước (Cà Mau) than thở.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết nguyên liệu chế biến thủy sản thiếu khoảng 30 - 40% đang là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã làm giảm đến 60% sản lượng thủy sản đánh bắt, thu mua của doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2015. Do nguồn nguyên liệu nuôi trồng và đánh bắt thiếu trầm trọng, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong 8 tháng qua cũng chỉ đạt khoảng 40% và doanh số bán ra bị giảm mạnh.

“Nếu không gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu thì xuất khẩu nhiều nhóm hàng thủy sản, chẳng hạn như tôm, sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn. Đây không phải là vấn đề mới nhưng rất nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp cải thiện triệt để. Doanh nghiệp chúng tôi chưa vơi nỗi lo thường trực thiếu hụt nguyên liệu, nhà máy phải hoạt động dưới công suất”, bà Lê Thị Hạt, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu, cho biết.

Cần thiết nhập khẩu

Phân tích của các chuyên gia trong ngành, giá tôm nhập khẩu luôn thấp hơn giá tôm nguyên liệu trong nước từ 22.000 - 44.000 đồng/kg nên sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất giúp các doanh nghiệp giải được bài toán thiếu hụt nguyên liệu. Việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đang được xem là giải pháp cần thiết giúp ngành đạt mục tiêu đến năm 2020 xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỉ USD. Những quốc gia đang được các doanh nghiệp trong nước "để mắt" tới như Ấn Độ, Philippines, Indonesia...

"Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, sản lượng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu đã tăng gần 67% so với cùng kì năm 2015. Các thị trường nhập khẩu nhiều nhất là Ấn Độ, chiếm 15%; Nhật chiếm 12% và Đài Loan là 11%...; trong đó chủ yếu ở hai nhóm hàng tôm và cá. Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu dùng cho gia công, sản xuất xuất khẩu đang đóng góp từ 7 - 14% giá trị kim ngạch của ngành", ông Bạch Đức Lữu, Giám đốc cơ quan Thú y vùng VI, cho hay.

Trong nỗ lực giúp ngành thủy sản tự túc được nguồn cung nguyên liệu trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm năm 2016, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch phòng chống, kiểm soát dịch bệnh ở tôm, mở rộng diện tích nuôi trồng, ứng dụng thâm canh, nuôi tôm sinh thái... Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất với Chính phủ triển khai một số biện pháp, chính sách tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, người nuôi tôm khó khăn về vốn để phát triển sản xuất...

"Các địa phương cần quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch, cũng như triển khai những giải pháp liên kết giúp thu mua nguyên liệu ổn định và hạ giá thành đầu vào nâng cao sức cạnh tranh. Từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ hạn chế đầu tư mới các cơ sở chế biến thủy sản sản xuất ra sản phẩm sơ chế mà khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại nâng cao được giá trị sản phẩm, giá trị gia tăng lên 60 - 70% trong tổng sản lượng thủy sản chế biến, từng bước nâng cao được giá trị xuất khẩu thủy sản", ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Doanh nghiệp đối mặt với thiếu nguyên liệu vì hạn, mặn
Doanh nghiệp đối mặt với thiếu nguyên liệu vì hạn, mặn

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã tác động trực tiếp đến sản lượng, chất lượng nhiều loại nông sản. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp khó với bài toán thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN