Cụ thể, bờ hữu sông Bùi đoạn qua xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) đang có 3 khu vực xảy ra sạt lở. Diễn biến sự cố đang ngày một phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân.
Khu vực thứ nhất là từ trạm bơm Chợ Sẽ đến đầu kè tuyến Đồng Vực thuộc thôn Mới dài 67m. Hiện, tại đây xảy ra 2 cung sạt dài 6m và 7m, vách thẳng đứng; ảnh hưởng trực tiếp đến trạm bơm Chợ Sẽ và hộ gia đình ông Nguyễn Văn Vinh.
Khu vực thứ hai kéo dài từ hộ ông Lê Văn Trung (thôn Thượng) đến hết địa phận thôn Trung dài 831m, xảy ra 7 cung sạt với chiều dài từ 15 - 20m, sâu từ 2 - 2,5m. Các sự cố đã khiến cây cối bị gãy đổ, sụt tường bao của 7 hộ dân, ảnh hưởng đến 21 hộ dân khác trong khu vực.
Khu vực còn lại là từ cống tiêu thôn Yên Cốc đến hết địa phận xã Hồng Phong dài 439m, xảy ra 5 cung sạt với chiều dài từ 15 - 20m, sâu từ 1 - 2m. Sự cố làm gãy, đổ cây trong vườn, sụt tường bao, hư hỏng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi của 5 hộ, ảnh hưởng đến 18 hộ dân khác.
Ngoài ra, sự cố sạt lở kè Linh Chiểu xảy ra ở vị trí tương ứng từ K32+600 đến K32+850 đê hữu Hồng, thuộc xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ với chiều dài khoảng 250 m. Sự cố công trình đã sạt lở chân kè, ăn sâu vào chân kè với chiều rộng từ 1,0 m đến 2,0 m và có xu hướng tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, kè cách chân đê gần nhất khoảng 10 m, khu vực này là đoạn sông cong, dòng chảy áp sát chân kè, diễn biến sạt lở rất phức tạp, tình trạng sạt lở chân kè đã gây nguy hiểm cho ổn định, an toàn của tuyến kè Linh Chiểu, ổn định của tuyến đê hữu Hồng qua khu vực này.
Sự cố sạt lở kè Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì xảy ra ở vị trí tương ứng từ K7+370 (sau mỏ hàn số 10) đến K7+850 (sau mỏ hàn số 12) đê hữu Hồng với chiều dài khoảng 600 m. Sự cố công trình đã làm sạt lở toàn bộ phần mái, chân kè, ăn sâu vào cơ kè và có xu hướng tiếp tục phát triển. Do khoảng cách từ chân kè có vị trí cách chân đê khoảng 10 m, dòng chủ lưu áp sát kè, diễn biến sạt lở rất phức tạp, uy hiếp an toàn công trình kè, chùa Thiên Linh, thôn Viên Châu và có nguy cơ ảnh hưởng đến ổn định của tuyến đê hữu Hồng.
Trước diễn biến sạt lở trên, UBND huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo xã Hồng Phong tổ chức thông tin, cảnh báo, cắm biển báo sạt lở để hạn chế người dân qua lại khu vực đang xảy ra sự cố. Lực lượng chức năng cũng đang được bố trí ứng trực để theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương để xây dựng phương án sẵn sàng xử lý giờ đầu, theo phương châm 4 tại chỗ trong các tình huống khẩn cấp, hạn chế thấp nhất nguy cơ do sự cố phát sinh mở rộng có thể gây nên cho tuyến đê hữu Hồng, tuyến kè Linh Chiểu, tuyến kè Cổ Đô, khu vực Chùa Thiên Linh, khu vực dân cư ven sông Bùi; sẵn sàng xử lý khi sự cố phát triển, thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của các sự cố.