Trong bối cảnh đó, ngày 7/5, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại nông sản & thực phẩm chế biến” nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp hai nước về cơ hội, triển vọng kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến trong và sau dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, góp phần mở ra những cánh cửa hợp tác thương mại song phương, đẩy mạnh khai phá thị trường Ấn Độ giàu tiềm năng.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Bá Phú, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chủ tịch IICCI Atul Kumar Saxena; Chủ tịch Ủy ban Thực phẩm và Sữa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Gujarat, ông Hiren Gandhi và gần 250 đại biểu, doanh nghiệp cùng các cơ quan hữu quan của hai nước.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Xúc Tiến Thương mại Vũ Bá Phú nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 đã khiến thương mại hàng hóa nói chung và thương mại hàng nông sản, thực phẩm chế biến nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Thương mại nông sản, thực phẩm Việt Nam - Ấn Độ cũng không nằm ngoài vòng xoáy tác động khó lường này. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là thị trường lớn ở khu vực Trung Nam Á với gần 1,4 tỷ dân, có tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm thế mạnh của Việt Nam như trái cây tươi và chế biến, chè, hạt tiêu, cao su, bánh kẹo, cá tra, các sản phẩm từ ngũ cốc… Nhưng lượng và kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam từ Ấn Độ vẫn còn hết sức khiêm tốn so với sức mua rất lớn của Ấn Độ.
Thời gian qua, nhiều người dân và doanh nghiệp Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của Việt Nam. Chẳng hạn như cá basa Việt Nam được nuôi trồng theo tiêu chuẩn, có giá trị cạnh tranh cao nên được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng. Trái thanh long Việt Nam do ngon hơn thanh long của nhiều nước khác nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng - khách sạn, thậm chí cả ở những tiệc cưới sang trọng tại Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm khác của Việt Nam như trái vải miền Bắc, trái chôm chôm từ các miệt vườn lớn phía Nam Việt Nam dù thuộc danh mục các loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt đã được nhiều người Ấn Độ biết đến và yêu thích vẫn chưa được mở đường vào Ấn Độ.
Ông Vũ Bá Phú kêu gọi IICCI với vị thế quan trọng của mình sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam triển khai thủ tục đề nghị Chính phủ Ấn Độ mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn, vải, chôm chôm….
Về phần mình, Chủ tịch IICCI Atul Kumar Saxena, người có gần 40 năm kinh nghiệm làm việc với Việt Nam, đã nêu lên 10 ngành hàng chính mà Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để xuất khẩu sang không chỉ Ấn Độ mà cả các thị trường khác trên thế giới, như gạo, cà phê, chè, đồ gia vị, ca cao, hạt điều…
Đối với gạo, ông Atul Kumar Saxena nhấn mạnh Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng gạo xuất khẩu truyền thống, ông khuyến nghị Việt Nam cần xem xét ứng dụng khoa học kỹ thuật để chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng, như sản phẩm bánh đa nem và các sản phẩm khác có giá trị cao hơn xuất khẩu gạo nguyên liệu.
Ngoài ra, ông Atul Kumar Saxena cũng đề cập đến cà phê vốn là mặt hàng rất nổi tiếng của Việt Nam. Ông chúc mừng các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ xuất khẩu cà phê thô mà còn sản xuất chế biến nhiều mặt hàng cà phê, trong đó có những sản phẩm rất được yêu thích tại thị trường Ấn Độ như cà phê 3 trong 1. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện chiến lược kinh doanh để những sản phẩm này thành công hơn nữa ở thị trường Ấn Độ.
Bên cạnh những nội dung trao đổi, hội thảo cũng đóng vai trò là cầu nối giúp các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác và cơ hội để thúc đẩy thương mại nông sản, thực phẩm vượt khó COVID-19 và phát triển khởi sắc hơn trong tương lai.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệp, khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm ăn kinh doanh tại Ấn Độ trong khi các đại biểu Ấn Độ cũng trình bày về những cơ hội và thách thức trong việc thiết lập sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Theo các đại biểu, các cơ quan và tổ chức hữu quan của hai nước cần phát huy tối đa các nguồn lực, tận dụng các điều kiện thuận lợi hóa thương mại, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam - Ấn Độ không vì đại dịch mà chùn bước giao thương.