Kết quả kiểm tra kinh doanh xăng dầu: Không lỗ lớn hoặc có lãi

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Theo đó, Bộ Tài chính đã thiết lập đoàn kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TMDK Đồng Tháp tại thời điểm 30/6 và 26/8/2011

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ: Trong điều kiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối không đồng đều, thị trường kinh doanh xăng dầu còn bị phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh như Petrolimex hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thì việc nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hành giá bán lẻ xăng dầu là giải pháp hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Kết quả kiểm tra Bộ Tài chính cho thấy chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tại một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở. Cụ thể như tổng thù lao đại lý của Petrolimex là trên 583 tỷ đồng, trong đó mức thù lao đại lý của công ty xăng dầu B12 (Petrolimex) đối với xăng cao nhất là 630 đồng/lít trong tháng 6, dầu là 830 đồng/lít trong tháng 7.

Saigon Petro tổng chi phí chiết khấu thù lao đại lý từ tháng 1 đến tháng 9/2011 là hơn 289 tỷ đồng trong đó có thời điểm mức chiết khấu bình quân tháng 6 lên tới 714 đồng/lít, từ tháng 7 đến 26/8 là 782,77 đồng/lít vượt quá mức chi phí kinh doanh chung là 600 đồng/lít.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời điểm Bộ quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm ngày 26/8 là hợp lý. Bởi vì kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của các DN từ 1/7 đến 26/8 về cơ bản không lỗ lớn hoặc có lãi. Petrolimex ước lãi 130 tỷ đồng; Saigon Petro lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng, Công ty TMDK Đồng Tháp lỗ 55,23 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về quỹ bình ổn giá (BOG), Bộ Tài chính cho rằng cơ bản các doanh nghiệp đã trích lập sử dụng theo quy định. Việc duy trì quỹ BOG xăng dầu là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu trong giai đoạn vừa qua.

Thực tế nếu không có cơ chế trích lập và sử dụng quỹ BOG như thời gian qua thì tần suất điều chỉnh giá sẽ cao, gây bất ổn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Do có cơ chế trích lập quỹ BOG mà doanh nghiệp tiết giảm được một phần chi phí lãi tiền vay do việc giảm trừ lãi tiền vay tương ứng với số dư nguồn quỹ BOG trong từng thời kỳ khi hình thành Qũy đến nay là 115 tỷ đồng ( Petrolimex: 49 tỷ, Saigon Petro: 27 tỷ, PV Oil: 25 tỷ, Công ty TMDK Đồng Tháp 14 tỷ).

Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng quỹ BOG tạo các doanh nghiệp còn một số bất cập và khó kiểm soát. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng quỹ BOG trong thời gian tới theo hướng: đưa quỹ BOG về cơ quan Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý.

Qũy này được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối thực hiện chính sách bình ổn giá theo cơ chế: doanh nghiệp đăng ký, kê khai sử dụng quỹ; kết thúc năm Nhà nước sẽ thực hiện hậu kiểm và quyết toán sổ chính thực đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Đối với giá cơ sở, Bộ Tài chính kết luận công thức xác định giá cơ sở như hiện nay là hợp lý tuy vậy còn một số điểm cần nghiên cứu điều chỉnh như chu kỳ tăng giảm giá và bước tính giá bình quân theo giá Platt’s còn tương đối dài (30 ngày), việc để lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở có thể gây hiểu lầm và thiếu minh bạch trong xác định lãi lỗ kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy tổ kiểm tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị cần nghiên cứu hoàn thiện công thức xác định giá cơ sở theo hướng rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giảm giá để phù hợp với thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp, đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi, lỗ.

Do khung quy định của Nhà nước về hao hụt tự nhiên trong kinh doanh xăng dầu đã lạc hậu và mỗi doanh nghiệp có quy định về múc hao hụt riêng nên rất khó khăn trong công tác quản lý giám sát của Nhà nước, nên tổ kiểm tra cũng kiến nghị thời gian tới nhà nước cần nghiên cứu quy định bổ sung mức hao hụt trong các khâu để các doanh nghiệp căn cứ thống nhất thực hiện và các doanh nghiệp cần chủ động nỗ lực tiết giảm chi phí hao hụt năm sau so với năm trước ( đặc biệt với doanh nghiệp lớn như Petrolimex) để giảm chi phí.

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện nguồn cung chủ yếu do thị trường trong nước phần lớn là xăng dầu nhập khẩu (chiếm 68,65%), sự không ổn định về tỷ giá hối đoái là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới lỗ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là những doanh nghiệp có đầu mối có tổng lượng nhập khẩu cao so với tỷ trọng hàng mua từ Dung Quất hoặc tự sản xuất như Petrolimex đã lỗ tới 1.425 tỷ đồng.

Do vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải làm việc với các Bộ liên quan như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… để có cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu theo đúng tỷ giá liên ngân hàng từng thời điểm. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cần nghiên cứu áp dụng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.

Đối với đầu tư ngoài ngành, qua kiểm tra thì cả 4 doanh nghiệp đều có số vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương đối lớn dù năng lực tài chính còn hạn chế. Ngay cả doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh xăng dầu như Petrolimex đầu tư ngoài ngành trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản bằng 12,5% vốn chủ sở hữu. Do đó, thời gian tới các doanh nghiệp cần có thời gian và lộ trình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao và không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Thùy Dương

Đồng loạt kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng

Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN