Kết quả khảo sát: Niềm tin của các doanh nghiệp đã trở lại và tốt lên

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, để đánh giá khó khăn hiện tại cũng như triển vọng kinh doanh các tháng cuối năm 2024, nửa đầu năm 2025 và nắm bắt các kiến nghị của doanh nghiệp, Ban này đã phối hợp với Báo VnExpress thực hiện khảo sát trực tuyến “Niềm tin doanh nhân” từ ngày 27/6 đến 15/7/2024 với 891 đại diện lãnh đạo doanh nghiệp tham gia. Kết quả khảo sát này đã được trình Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh - vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Niềm tin của doanh nghiệp đã trở lại và tốt lên

Khảo sát cho thấy, so sánh với khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023, các chỉ báo về tình hình kinh tế vĩ mô và kinh tế ngành kỳ này đều tích cực hơn. 

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô “rất tích cực” so với cùng kỳ năm trước đó cao gấp gần 5 lần so với khảo sát tháng 4/2023 (3,3% so với 0,7%); tỷ lệ đánh giá “tích cực” gấp hơn 7 lần (12,8% so với 1,8%), trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tiêu cực” chỉ bằng gần một nửa (19,4% so với 44%). Điều này cho thấy sau COVID-19 và các khó khăn từ bối cảnh kinh tế năm 2022, niềm tin của các doanh nghiệp đã trở lại và tốt lên qua từng kỳ khảo sát. Xu hướng này khá tương đồng với số liệu từ các báo cáo vĩ mô khác.

Tuy vậy, trong xu hướng phục hồi đó, đánh giá về tình hình kinh tế hiện tại bao gồm kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành so với cùng kỳ năm 2023 vẫn cho thấy bức tranh khá tiêu cực. Xét theo loại hình, sự phục hồi của doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn tỏ ra “hụt hơi” hơn khi so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác. Còn xét theo ngành, lĩnh vực và theo khu vực thì doanh nghiệp ngành xây dựng; doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vẫn thể hiện mức độ tiêu cực hơn. Đây là những điều cần đặc biệt lưu ý trong thiết kế các chính sách, thực thi chính sách cả ở giác độ vĩ mô cũng như các chương trình cụ thể để hỗ trợ phục hồi, đồng thời để thực hiện mục tiêu thúc đẩy nội lực kinh tế đất nước.

“Kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá của doanh nghiệp về tình hình kinh tế vĩ mô so với cùng kỳ năm 2023 vẫn còn ở mức khá tiêu cực, với tỷ lệ 60% lựa chọn “tiêu cực/rất tiêu cực”, trong đó “rất tiêu cực” là 19,4%. Tỷ lệ đánh giá “tích cực/rất tích cực” mới chỉ đạt 16,1%. Xét theo điểm trung bình thì mức đánh giá của các doanh nghiệp chỉ đạt 2,4/5 là mức dưới trung bình. Điều này cho thấy, từ sau đại dịch COVID-19 và các bất ổn kinh tế hậu COVID, tính từ lần khảo sát đầu tiên (tháng 4/2023) tới nay, niềm tin của doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn”, Ban IV cho hay.

Xét theo các ngành, doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn thể hiện sự bi quan nhất khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô “tiêu cực/rất tiêu cực” là 66,9%, trong khi tỷ lệ đánh giá “tích cực/rất tích cực” chỉ chiếm 14,7%. Ngành công nghiệp có sự phục hồi tốt hơn các ngành khác khi tỷ lệ đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” chiếm 51,5% và tỷ lệ đánh giá “tích cực/rất tích cực” là 18,1%. Đáng chú ý, ngành dịch vụ dù theo các số liệu của Tổng cục thống kê đã phục hồi tốt và đóng góp nhiều vào GDP, tuy nhiên trong khảo sát này, tỷ lệ doanh nghiệp dịch vụ đánh giá tình hình “tích cực/rất tích cực” lại thấp hơn các ngành khác.

Nhìn vào giá trị điểm trung bình của các ngành, có thể thấy rõ bức tranh còn chưa tích cực trên bình diện cả nền kinh tế và trong từng ngành, trong đó doanh nghiệp ngành xây dựng thể hiện sự bi quan nhất khi chỉ có điểm trung bình là 2,26/5. Mức độ bi quan của doanh nghiệp ngành dịch vụ đứng thứ 2 sau ngành xây dựng. Điểm sáng của bức tranh này là niềm tin của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã quay trở lại và đạt 2,57/5, cao nhất trong các ngành. Điều này cũng phù hợp với các số liệu thống kê khi chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng đến 9,5%. 

Xét theo loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, sau đó là doanh nghiệp FDI đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô ít tiêu cực hơn loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước. Xét theo điểm trung bình, doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng là khu vực duy nhất thấp hơn mức trung bình chung và thấp hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Ban IV cho biết, nếu so với các kỳ khảo sát trước, tốc độ phục hồi niềm tin khi đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô của doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng thấp hơn các khu vực doanh nghiệp khác. Điều này tương quan với các số liệu vĩ mô về đầu tư tư nhân “thấp nhất trong 10 năm trở lại đây”. Đây là chủ đề lớn được các chuyên gia kinh tế, chính sách và các bên thảo luận thời gian qua, là thách thức gắn với mục tiêu gia tăng nội lực của nền kinh tế đất nước.

Xét theo địa phương, niềm tin của các doanh nghiệp ở các đầu tàu kinh tế dù đã cải thiện so với các kỳ trước nhưng vẫn ở mức tiêu cực. Các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh có niềm tin thấp hơn so với Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô tiêu cực/rất tiêu cực vẫn ở mức 63,4%, trong khi tỷ lệ này ở Hà Nội và các địa phương khác đã giảm xuống còn lần lượt là 58,5% và 56,4%. 

Xét theo điểm trung bình, cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều thấp hơn mức chung của cả nước và các địa phương khác. Điều này cho thấy hai đầu tàu này vẫn chưa thực sự phục hồi và phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Đây cũng là hai địa phương có ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng nên bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh khó khăn chung.

Tăng cường nội lực cho khu vực kinh tế tư nhân

So với các kỳ khảo sát trước, đánh giá của doanh nghiệp về tình hình kinh tế ngành tích cực hơn. Xét theo tỷ lệ, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế ngành “rất tích cực” đạt 2,8%, gấp 4 lần so với kỳ khảo sát tháng 4/2023; tỷ lệ đánh giá “tích cực” đạt 10,8%, gấp hơn 5 lần so với kỳ khảo sát tháng 4/2023, trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực” về tình hình kinh tế ngành của kỳ khảo sát này đều thấp hơn các kỳ khảo sát trước.

Tuy nhiên, về tổng thể, kết quả khảo sát cho thấy, tình hình kinh tế ngành dù đã tích cực hơn các kỳ trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thể hiện qua niềm tin của doanh nghiệp còn ở mức khá tiêu cực: 65,2% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về tình hình kinh tế ngành so với cùng kỳ năm 2023, trong khi đó, tỷ lệ đánh giá “tích cực/rất tích cực” là 13,6%.

Xét theo điểm trung bình, đánh giá của doanh nghiệp được khảo sát về tình hình kinh tế ngành cũng thể hiện sự tiêu cực, chỉ đạt 2,28/5. Trong đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp thể hiện sự tích cực nhất, còn doanh nghiệp ngành xây dựng thể hiện sự bi quan nhất với điểm trung bình lần lượt là 2,41 và 2,0. Ngành xây dựng cũng là ngành duy nhất có điểm trung bình thấp hơn mức trung bình chung của doanh nghiệp được khảo sát.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có đánh giá về tình hình kinh tế ngành tích cực nhất với điểm trung bình là 2,8/5. Doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá tình hình kinh tế ngành bi quan nhất với điểm trung bình chỉ 2,24/5. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp duy nhất có điểm trung bình thấp hơn mức chung của cả nước. Do đó, tăng cường nội lực cho khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề lớn cần đặt ra khi niềm tin của khu vực này đang phục hồi chậm hơn so với các khu vực kinh tế khác.

Xét theo địa phương, các doanh nghiệp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn có mức điểm trung bình thấp hơn so với các địa phương và mức chung của cả nước, lần lượt là 2,25 và 2,26, trong khi mức điểm trung bình của doanh nghiệp cả nước là 2,28.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực: Chính phủ trông cậy vào những địa phương đầu tàu của nền kinh tế
Phó Thủ tướng Thường trực: Chính phủ trông cậy vào những địa phương đầu tàu của nền kinh tế

Sáng 8/10, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu đã làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt; giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, xuất nhập khẩu, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN