Sau bao ngày chờ đợi, iPhone 5 đã chính thức trình làng và dự kiến sẽ đến tay người tiêu dùng vào ngày 21/9 tới. Không nghi ngờ, iPhone 5 ra đời sẽ tạo ra cơn sốt công nghệ mới, đặc biệt là trong giới trẻ. Không chỉ có vậy, iPhone 5 còn được kỳ vọng là mang đến đóng góp không nhỏ đối với kinh tế Mỹ. Thậm chí, ở một góc độ nào đó, cái mà iPhone 5 làm được còn là mơ ước của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) trong thực thi chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3): Chấn hưng kinh tế Mỹ, nhưng không làm lạm phát tăng cao.
iPhone 5 sẽ có đóng góp không ngờ đối với kinh tế Mỹ. |
Trong một phát biểu đưa trên tờ Thời báo Phố Wall (Mỹ), Micheal Feroli, chuyên gia kinh tế trưởng của JP Morgan nói rằng iPhone 5 không chỉ giúp hãng Apple tăng cường vị thế của mình trong thị trường máy tính bảng, điện thoại thông minh đầy sinh lợi, mà còn thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Feroli dự báo iPhone 5 có thể đóng góp 0,25% đến 0,5% trong tăng trưởng kinh tế Mỹ vào quý IV. Dự đoán này không phải không có cơ sở vì thực tế cho thấy iPhone 4S đã đóng góp vào GDP quý IV/2011 của Mỹ từ 0,1-0,2%
Theo Thời báo Phố Wall, dự đoán của Feroli dựa vào giả định mỗi quý hãng Apple sẽ tiêu thụ được 8 triệu chiếc iPhone 5 với giá 600 USD mỗi chiếc, trừ đi 200 USD chi phí nhập khẩu, đóng góp vào GDP 400 USD/chiếc. Như vậy, mỗi quý, tổng đóng góp của iPhone 5 vào GDP là 3,2 tỉ USD và cả năm là 12,8 tỉ USD.
Với sự báo của JP Morgan rằng GDP quý IV của Mỹ sẽ tăng khoảng 2%, 3,2 tỉ USD lợi nhuận cận biên mà hãng Apple thu được từ việc bán 8 triệu chiếc iPhone 5 sẽ giúp GDP quý IV của Mỹ tăng trưởng từ 0,25% đến 0,5%.
Dự đoán của Feroli tới nay chưa nhận được sự đồng tình của một số học giả như đồng Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Mỹ Dean Baker vì chưa tính tới ảnh hưởng của việc iPhone 5 ra đời đối với mức độ tiêu thụ các loại điện thoại khác.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là cái mà iPhone 5 làm được vẫn là mơ ước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thực thi chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3): Chấn hưng kinh tế, nhưng không làm lạm phát tăng cao và không tạo cơ hội trục lợi cho giới đầu cơ kim loại quý.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh không ngừng của Apple cũng nhiều hãng lớn quốc tế khác như Boeing, Volkswagen hay Toyota còn cho thấy lợi nhuận thương mại toàn cầu đang nghiêng về phía các thương hiệu nổi tiếng. Nếu để ý, các thương hiệu này có một đặc điểm chung là đến từ các quốc gia nhấn mạnh tới bản quyền tác giả và duy trì tính độc lập của đại học.
Nam Khánh