IMF viện trợ 17 tỷ USD cho Ukraine

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 30/4 đã thông qua gói viện trợ tài chính trị giá 17 tỷ USD cho Ukraine trong hai năm. Đây là một phần trong chương trình cứu trợ quy mô lớn dành cho Ukraine có tổng trị giá 27 tỷ USD, gồm cả Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu và các đối tác khác.

Tổng Giám đốc IMF Christine Largade (giữa). Ảnh: Reuters


Chương trình viện trợ của IMF đi kèm theo các yêu cầu cải cách khắc khổ, nhằm hỗ trợ khôi phục sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững cho Ukraine. Theo kế hoạch, IMF sẽ thực hiện đợt giải ngân đầu tiên trị giá 3,19 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD hỗ trợ ngân sách Ukraine.

Ngoài ra, một phần trong khoản giải ngân này có thể sẽ được dùng để thanh toán khoản tiền 2,2 tỷ USD Ukraine nợ tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga. IMF cho biết đợt giải ngân thứ hai và thứ ba sẽ được thực thi dựa trên báo cáo định kỳ hai tháng về tiến trình thực hiện các cam kết của Ukraine. IMF cảnh báo kinh tế Ukraine có thể giảm tới 5% trong năm nay, kể cả khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Đánh giá về chương trình viện trợ của IMF, Tổng Giám đốc IMF Christine Largade cho rằng đây là sự trợ giúp cấp thiết vì hiện nay nền kinh tế Ukraine đang chìm trong suy thoái và mất cân đối tài chính trầm trọng. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận gói cứu trợ này có thể đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến khả năng thực thi cam kết của Ukraine và tình hình chính trị căng thẳng tại quốc gia này. Căng thẳng giữa Nga với Ukraine đang leo thang và tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine là những đe dọa lớn đối với triển vọng phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Liên quan đến khả năng của Ukraine thực thi cam kết cải cách, trước đó, hai chương trình cho vay quốc tế dành cho nước này đã bị đình chỉ vì Kiev không hoàn thành các mục tiêu do IMF đề ra. Trong gói cho vay lần này, IMF đã yêu cầu tiến hành nhiều biện pháp tài chính khắc khổ trong đó có cắt giảm trợ giá nhiên liệu, giảm thâm hụt tài chính và tăng cường kiểm soát đối với việc tăng lương, giải quyết tình trạng tham nhũng và củng cố lại hệ thống ngân hàng yếu kém.

Giám đốc Cục Châu Âu của IMF, Reza Moghadam cho rằng một số biện pháp tài chính khắc khổ rất cần thiết để ổn định tình hình tài chính của chính phủ vì nếu không thâm hụt, sẽ lên tới mức 12% GDP. Đặc biệt đối với nhiên liệu, IMF cho rằng giá khí đốt của Ukraine chỉ bằng một nửa giá của Nga và chưa bằng 1/4 giá của Ba Lan chính vì vậy, thâm hụt của Naftogaz, tập đoàn chuyên nhập khí đốt và dầu mỏ từ Nga sau đó phân phối cho các hộ tiêu dùng với giá thấp hơn so với giá nhập, hiện đang rất lớn.

Mục tiêu của biện pháp khắc khổ là đến năm 2018 giải quyết hoàn toàn tình trạng thâm hụt của Naftogaz. Chính phủ tạm quyền Ukraine thông báo sẽ tăng giá khí đốt thêm 50% kể từ ngày 1/5. Tuy nhiên, việc tăng giá nhiên liệu được dự đoán sẽ làm bùng lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại quốc gia này.


TTXVN/Tin tức
Ukraine chính thức đề nghị IMF cung cấp góp cứu trợ kinh tế
Ukraine chính thức đề nghị IMF cung cấp góp cứu trợ kinh tế

Ngày 23/4, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk cho biết chính phủ nước này đã chính thức đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp một gói cứu trợ kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN