Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến 15 giờ ngày 19/5, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 167 hộ chăn nuôi, ở 17 thôn, tổ của 9 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Tỉnh Yên Bái đã cấp 2.622 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch và vùng uy hiếp, vùng đệm, chốt kiểm dịch. Các địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh để khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng; trong đó, chú trọng đến công tác kiểm soát vận chuyển lợn và tiêu thụ các sản phẩm động vật, hạn chế người ra vào vùng dịch.
Trong khi đó, trưa ngày 20/5, UBND tỉnh Lào Cai đã có cuộc họp với các địa phương và các ngành chức năng để có các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các ngành, địa phương huy động tối đa lực lượng phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ hạn chế dịch bệnh lan rộng. Tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm trên toàn tỉnh có gần 20 chốt kiểm dịch được lập, kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện ra vào địa bàn.
Đối với các địa phương đã phát hiện ổ dịch, tỉnh Lào Cai yêu cầu tập trung nhân lực để dập tắt dịch tại chỗ, thực hiện nghiêm và minh bạch trong việc thống kê thiệt hại; tiêu hủy ngay lợn mắc bệnh, thức ăn thừa và xử lý môi trường bằng hóa chất, vôi bột. Đối với các địa phương chưa phát hiện có dịch, tỉnh cũng yêu cầu phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chăn nuôi thực hiện việc chăn nuôi an toàn sinh học, phòng bệnh chủ động; giám sát phát hiện lợn ốm, lợn nghi mắc bệnh với chính quyền địa phương kịp thời.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày 11/5 đến ngày 19/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 35 hộ thuộc 5 thôn của hai xã Bản Lầu, Lùng Vai của huyện Mường Khương làm 310 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 15.369 kg. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 7 con lợn chết trên tổng số đàn 32 con của 1 hộ dân thuộc xã Liên Hà 7, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa đã ra quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn hai xã Vĩnh Chân và xã Mai Tùng. Như vậy, cùng với xã Y Sơn được công bố trước đó, tính đến nay, trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã có 3 xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi và là đơn vị thứ hai trong tỉnh công bố dịch bệnh sau thành phố Việt Trì.
Theo báo cáo mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, từ ngày 19/2 đến ngày 19/5, Phú Thọ đã có 48 hộ ở 38 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành, thị có lợn bị ốm, chết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ đã tổ chức tiêu hủy 1.058 con lợn ở các điểm có dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng hơn 73 tấn. Hiện nay, 25 con lợn bị ốm ở các huyện Phù Ninh và Đoan Hùng đang được Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Phú Thọ theo dõi.
Tỉnh Phú Thọ cũng đã nhanh chóng thành lập 15 đội kiểm soát lưu động và 6 chốt kiểm soát cấp tỉnh và huyện, được bố trí trực ở các đầu mối giao thông quan trọng như vùng giáp ranh với các tỉnh bạn, các đầu ra của cao tốc Nội Bài – Lào Cai và trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng; thành lập 277 đội kiểm soát và 17 chốt kiểm soát cấp xã, thực hiện việc hỗ trợ khoanh vùng, dập dịch, giám sát hoạt động vận chuyển,giết mổ lợn; kiểm soát hộ kinh doanh thịt lợn và ác sản phẩm từ lợn tại các chợ trên địa bàn…
Tại phía Nam, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 40.000 lít hóa chất biodine và bankocid từ nguồn dự trự quốc gia để phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch.
Tại tỉnh Đồng Nai, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 5 xã, thuộc 3 huyện gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu. Các cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức tiêu hủy gần 900 con lợn với trọng lượng trên 35 tấn thịt.
Thời gian vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã sử dụng khoảng 25.000 lít hóa chất và 650 tấn vôi để dự trữ chống dịch và cấp cho các hộ chăn nuôi phun rải tiêu độc, khử trùng chuồng trại để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Đồng Nai hiện là địa phương có số lượng lợn lớn nhất cả nước với 2,5 triệu con. Sau khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống và dập dịch như tiêu độc khử trùng, kiểm soát vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ lợn tại các vùng có dịch; lập hàng chục chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển lợn, nhất là trên các tuyến quốc lộ.