Ông Phạm Bá Uyên, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 19/5 trên địa bàn đã phát hiện thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan nhanh trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ra văn bản chỉ đạo khẩn, yêu cầu các ngành, địa phương huy động tối đa lực lượng phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ hạn chế dịch bệnh lan rộng.
Tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm trên toàn tỉnh có gần 20 chốt kiểm dịch được lập, kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện ra vào địa bàn. Tỉnh đề nghị Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam phối hợp kiểm soát vận chuyển gia súc trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Tại tỉnh Bến Tre, ngành thú y tỉnh củng cố công tác thú y tuyến huyện, xã; tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn nghi bị bệnh dịch tả châu Phi. Đồng thời, phối hợp với các huyện chăn nuôi lợn trọng điểm tiếp tục tổ chức tập huấn hướng dẫn hộ chăn nuôi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ động phối hợp với các huyện tổ chức kiểm tra tại các vùng chăn nuôi lợn trọng điểm để có giải pháp cụ thể và tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 235 điểm giết mổ và 1 lò giết mổ tập trung.Tại các điểm, lò đều có bố trí nhân viên thú y kiểm soát giết mổ.
Theo ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để chủ động phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, năm 2019, tỉnh quyết định dành kinh phí 4,9 tỷ đồng cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đến nay, tỉnh đã lập 8 chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn cấp tỉnh và cấp huyện. Các chốt (tổ chức trực 24/24) được thành lập thực hiện kiểm soát và tiêu độc khử trùng 100% xe vận chuyển gia súc nhập tỉnh, đi ngang qua tỉnh.
Tại tỉnh Quảng Nam, từ trường hợp lợn đầu tiên bị dịch tả lợn châu Phi phát hiện tại hộ ông Bùi Văn Á ở thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải vào ngày 14/5, hiện dịch đã lây lan nhanh chóng ra 7 thôn của 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Thành của huyện Duy Xuyên.
Trước diễn biến nhanh của dịch tả lợn châu Phi, ngày 20/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo chính quyền các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Hiện nay, các địa phương có dịch đã thành lập các đội xử lý ổ dịch để triển khai nhanh việc thu gom, tiêu hủy lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng cũng được thực hiện thường xuyên để hạn chế sự lây lan, phát tán của dịch. Đối với các chủ hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ 38 nghìn đồng/kg thịt hơi.
Bên cạnh đó, chính quyền các xã có dịch bệnh đang tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở kịp thời phát hiện, khai báo dịch bệnh, không chữa bệnh cho lợn trên địa bàn đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi; không sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn chưa qua nấu chín để nuôi lợn.
Đối với địa phương chưa có dịch, ngành thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi có nuôi lợn thịt khỏe mạnh từ 45 kg trở lên tiến hành xuất bán để giảm bớt tổng đàn lợn. Tỉnh Quảng Nam cũng đang tuyên truyền cho người dân không quay lưng với sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã cấp phát 10 tấn hóa chất do Trung ương hỗ trợ về cho các địa phương trong tỉnh để tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng địa trà nhằm đối phó với dịch tả lợn châu Phi.
Hiện tại, trong kho của đơn vị còn 5 tấn hóa chất sẵn sàng cung cấp bổ sung cho huyện Duy Xuyên và các địa phương lân cận để tiến hành phun khoanh vùng, khống chế dịch lan rộng.