Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại trụ sở Liên minh châu Âu chiều 23/6/2015. Ảnh: Hương Giang - TTXVN |
Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Lễ công bố sách trắng và tầm nhìn EU- Việt Nam FTA do Phòng Thương mại Công nghiệp Châu Âu phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh châu Âu đồng tổ chức sáng 2/3, tại Hà Nội.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thời gian qua quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đã có bước phát triển rất tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,4 tỷ USD năm 2015 đưa EU trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Cùng với đó, EU cũng là một trong số các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn vào Việt Nam với 2.162 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 38,4 tỷ USD. Đặc biệt, điểm nổi bật nhất trong quan hệ thương mại- đầu tư giữa Việt Nam- EU là tính bổ sung lẫn nhau. Đây chính là cơ sở để khẳng định tiềm năng phát triển thương mại, đầu tư và hợp tác giữa hai bên sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, EVFTA sẽ kích hoạt cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của EU vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu, cũng như giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng điều này phải được hỗ trợ bằng chính lĩnh vực tư nhân của Việt Nam.
Trong khi đó, lĩnh vực này phải tăng cường cung cấp cho các công ty châu Âu tại Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài. Các công ty của Việt Nam cũng phát triển thông qua thương mại và xuất khẩu, khai thác các thị trường châu Âu nhiều hơn.
Chia sẻ của Chủ tịch Euro Charm, bà Nicola Connolly cho thấy sự phát triển và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận, bởi Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, những cải tiến cần thiết tiếp theo vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm nhằm duy trì những thành quả đã đạt được, cũng như đưa ra những nhận định sâu sắc hơn về thị trường đầu tư và thương mại.
Theo công bố của Sách Trắng 2016, các quy định hướng dẫn cho nhiều văn bản luật mới vẫn chưa được ban hành và quá trình xử lý hồ sơ cho các nhà đầu tư đang còn bị trì hoãn. Các doanh nghiệp EU mong đợi sự cải thiện trong thời gian xử lý hồ sơ một khi các quy định hướng dẫn thi hành mới có hiệu lực và các cán bộ xử lý hồ sơ sẽ nhanh chóng làm quen với những thay đổi này.
Chẳng hạn, các chuẩn mực kiểm toán và báo cáo còn nhiều điểm chưa hoàn thiện (xếp hạng 130) và thủ tục thành lập doanh nghiệp còn rườm rà (xếp thứ 116), vẫn là những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó là việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn đáng kể khi làm việc với hệ thống hành chính của Việt Nam. Việc khai báo thuế, thủ tục thông quan, thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép, các thủ tục hành chính khác thường bị trì hoãn, kết quả xử lý hồ sơ thường không thể lường trước được. Các doanh nghiệp thường phải tiêu tốn nguồn lực cho các thủ tục hành chính mà lẽ ra có thể được dùng để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Để tạo thêm giá trị gia tăng, đại diện Liên minh châu Âu cho rằng, Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, tăng năng suất lao động và cải thiện việc phân bổ vốn thông qua các quá trình tạo ra quyết định tốt hơn và minh bạch hơn. Nói cách khác, FTA sẽ hỗ trợ cải cách và có hiệu quả hơn đối với người Việt Nam, nhưng FTA sẽ không kích hoạt cải cách, mà phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ Việt Nam trong việc nắm lấy cơ hội và thực thi sứ mệnh lịch sử cho quốc gia.