Hướng đi cho địa phương đặc thù sản xuất nông nghiệp

Tây Ninh là một trong các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc khu vực Đông Nam bộ với nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên phong phú và có khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Khách tham quan mô hình sản xuất sản phẩm OCOP mãng cầu tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Do đó, việc tiếp cận và áp dụng khoa học và công nghệ vào thực tế sản xuất sẽ góp phần đảm bảo nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho xã hội.

 Đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, 341.897 ha, chiếm tỷ trọng 84,59% tổng diện tích đất của toàn tỉnh; trong đó, đất dùng cho sản xuất nông nghiệp là 265.494 ha và với có nguồn nước dồi dào, ít thiên tai… ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Tiến sĩ Phạm Đức Toàn, Khoa Khoa học Sinh học - Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, những lợi thế trên sẽ là các điều kiện đảm bảo cho nhu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong các giải pháp mang lại giá trị bền vững, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những nông dân có diện tích trồng mía lớn tại Tây Ninh, ông Nguyễn Hữu Nghị, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho biết, niên vụ mía năm 2023 ông đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cây mía. Hiện toàn bộ diện tích mía của ông với khoảng 310 ha đã hoàn toàn được cơ giới, kể cả khâu phun xịt thuốc ngừa sâu bệnh, thuốc dưỡng đều được sử dụng thiết bị bay không người lái.

Ông Nguyễn Hữu Nghị cũng cho biết, trước đây, tất cả khâu trồng mía, thu hoạch đều phụ thuộc vào nhân công. Theo ông Nghị, với diện tích 310 ha như hiện nay, nếu thu hoạch thủ công thì phải cần khoảng 100 nhân công chặt thu hoạch mía, với công suất 150 tấn/ngày. Nhưng hiện nay, khi áp dụng máy móc, chỉ cần 15 nhân công làm tài xế máy thu hoạch đã đạt công suất 300 tấn/ngày và chủ động hoàn toàn thời vụ. Từ đó, đảm bảo lợi nhuận mỗi ha mía đạt từ 16-20 triệu đồng/ha/năm.

Phó giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTCS) Thái Bá Hòa cho biết, hiện tại, nông dân Tây Ninh đã thay đổi tư duy trồng trọt, áp dụng nhiều biện pháp canh tác, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ để tăng hiệu quả kinh tế. Trước đây, năng suất trung bình của người trồng mía thủ công ở Tây Ninh chỉ đạt tối đa 60 tấn/ha, thì nay năng suất bình quân đạt 85 tấn/ha, thậm chí đã có nhiều hộ nông dân đạt đến 100 tấn/ha. Theo ông Hòa, giải pháp cho hiệu quả cao mà người trồng mía áp dụng là khâu cày ngầm khi làm đất, kèm theo bón lót phân hữu cơ vi sinh để tăng độ phì nhiêu cho đất và mía được trồng bằng máy nên nâng cao mật độ sống và sinh trưởng tốt.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Phó giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTCS) Thái Bá Hòa cũng cho hay, nhược điểm lớn nhất của cơ giới hóa là chi phí đầu tư quá lớn, không phù hợp với người nông dân trồng diện tích nhỏ lẻ. Do vậy, công ty đã có các chính sách đầu tư máy móc thiết bị, hệ thống tưới, kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… phối hợp với chính quyền địa phương liên kết diện tích nhỏ lẻ thành những cánh đồng mía lớn. Nhờ đó, nhiều cánh đồng từ 100 – 300 ha hình thành tại các vùng nguyên liệu ở Tây Ninh, giúp việc đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa trở nên có hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù Tây Ninh có tính đa dạng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng nhìn chung ngoài một số khâu cơ bản thì mức độ ứng dụng cơ giới hóa còn thấp, chưa đồng bộ, cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Mức độ ứng dụng cơ giới hóa cũng khác nhau đối với từng loại cây trồng và cả đối với từng khâu trong canh tác. Việc ứng dụng cơ giới hóa ở mức thấp là nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận thấp. Từ đó, giải pháp ứng dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp là thực sự cần thiết nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

“Tây Ninh cần tìm hướng đi đặc thù cho tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp và tìm các đối tác liên quan để phối hợp chặt chẽ và xây dựng lộ trình cụ thể cho từng công đoạn phát triển; trong đó, nên ưu tiên đặt hàng các đơn vị có thế mạnh để hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc thù và có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp để nhà khoa học, cũng như các bên liên quan triển khai thuận lợi. Kinh tế tuần hoàn hiện nay là một hướng đi mới và Trường Đại học Nông lâm sẵn sàng cùng hợp tác, hỗ trợ Tây Ninh triển khai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Quyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh cho rằng, để ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp thì ngành nông nghiệp cần phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tham mưu xây dựng và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng sinh thái, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh sẽ chung tay hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề chủ lực, đặc thù, có lợi thế gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từng bước xây dựng, nâng cao thương hiệu sản phẩm nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm làng nghề của tỉnh Tây Ninh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cũng cho biết, Tây Ninh xác định nông nghiệp là một trong những mũi nhọn của tỉnh, là bệ đỡ của nền kinh tế; bởi sản phẩm nông nghiệp tạo ra giá trị sơ cấp để phát triển nhiều loại hàng hóa khác. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI đã xem phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian qua, tiến bộ khoa học, công nghệ mới, công nghệ cao được đưa vào ứng dụng thực tiễn ngày càng nhiều, góp phần cho sự phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn. Theo đó, Tây Ninh xác định sẽ ứng dụng cơ giới hóa mạnh mẽ trong sản xuất, tập trung trên các cây trồng chủ lực của tỉnh.

Tại tỉnh Tây Ninh, từ năm 2019 đến nay đã thực hiện cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS cho 247 cơ sở sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích là 1.728 ha; hỗ trợ in 130.500 tem truy xuất nguồn gốc cho 5 loại sản phẩm như: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu ta (na), mãng cầu thái (na Hoàng Hậu). Hỗ trợ hoạt động xuất khẩu với việc cấp 4 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, duy trì hoạt động 15 mã số vùng trồng xuất khẩu (diện tích 552 ha) sang thị trường Trung Quốc, Hoa kỳ, EU và hiện đang chờ phê duyệt 16 mã số vùng trồng sầu riêng (diện tích 520 ha)...

Thanh Tân (TTXVN)
Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng cao của người tiêu dùng
Đồng Nai phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng cao của người tiêu dùng

Ngày 3/11, các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong các lĩnh vực sản xuất phân bón, trồng trọt, chăn nuôi nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài tỉnh Đồng Nai đã tham gia hội thảo phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Đồng Nai năm 2023, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN