Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đề nghị các sở, ngành và địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tập trung triển khai một số nội dung quan trọng trước mắt cũng như lâu dài.
Theo đó, các sở ngành và địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp, người dân nắm đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 4406/QĐ- UBND ngày 10/12/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Ngành nông nghiệp tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đào tạo, nâng cao tay nghề của người nông dân. Ngành cũng cần định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường. Nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa phù hợp với sản xuất nông nghiệp.Sở cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học và các đơn vị nghiên cứu chuyển giao trên địa bàn tỉnh; đặt hàng nghiên cứu và lựa chọn sử dụng các kết quả vào thực tế sản xuất ứng dụng máy móc, thiết bị, phần mềm quản lý tại tỉnh. Sở ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án khoa học và công nghệ liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, đặc biệt là cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. Chuyển giao các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở ngành và địa phương tiếp tục triển khai chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh; Hỗ trợ quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên vốn cho doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn thực hiện chế biến nông lâm nghiệp thủy sản theo các quy định hiện hành; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 12768/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2021-2025. Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, nông hộ liên kết với doanh nghiệp chế biến trên địa bàn để sử dụng tối đa công suất máy móc trong các khâu sản xuất, vận chuyển và chế biến nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, phát huy hiệu quả của chương trình cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận của đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Hầu hết các ý kiến đều nêu rõ thêm các vấn đề tồn tại, khó khăn, nguyên nhân tồn tại trong việc triển khai và ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trên địa bàn của tỉnh.
Các đại biểu dự hội thảo đã thống nhất đánh giá lại kết quả ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể là trong thời gian qua, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp. Nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao, nhất là với sản xuất lúa khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch gần 90%. Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu giảm lao động đang thiếu hụt ở nông thôn. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hội thảo cũng nhìn nhận là bên cạnh những mặt làm được thì nhiều tồn tại, yếu kém cũng được chỉ ra nhưng rõ ràng lâu nay vẫn chậm được khắc phục. Điển hình như cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ nhưng tính thực thi thiếu sự nhất quán. Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg) đến nay đã hết, chưa có chính sách hỗ trợ thay thế; mới tập trung vào các khâu làm đất, cần chú trọng đến áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất và chế biến nông sản; số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa chưa nhiều.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới vào sản xuất đó là đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chăn nuôi trang trại phát triển, quy mô trang trại lớn, gần các trung tâm, viện, nghiên cứu, trường đại học và có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đóng trên địa bàn, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư hoàn thiện; đây là những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa ngành nông nghiệp.
Cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất lao động trong ngành, giảm thất thoát sản phẩm, giảm mức độ khai thác tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước thực hiện tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh có mức độ cơ giới hóa cao, từ khâu sản xuất chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến quản lý chăn nuôi. Nhiều trại đã đầu tư trang thiết bị tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình chăn nuôi, đây là tiền đề để thực hiện tự động hóa trong lĩnh vực chăn nuôi trong giai đoạn tiếp theo.
Đáng chú ý là cơ giới hóa trong trồng trọt 100% khâu làm đất, khâu tưới, tiêu đã được cơ giới, đã có 90.000 ha cây ăn trái, cây công nghiệp, rau màu áp dụng hệ thống tưới tiên tiến kết hợp bón phân, một số diện tích được điều khiển tưới tự động theo chương trình. Về khâu thu hoạch, có 100% diện tích gieo trồng lúa, bắp, đã sử dụng máy gặt đập liên hợp, tách hạt, băm cây. Vận chuyển, xay xát, tách hạt đạt tỉ lệ cơ giới hóa cao. Công tác bảo vệ thực vật tỉ lệ cơ giới hóa đạt 100%. Một số ít diện tích sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật.
Về cơ giới hóa ngành chăn nuôi, thủy sản, Đồng Nai là một trong những vùng chăn nuôi quy mô công nghiệp trọng điểm của cả nước, do đó các đối tượng sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có nhiều cơ hội để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới.
Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn gia súc (nghiền, trộn, băm), vệ sinh chuồng trại hầu hết đều được cơ giới hóa; hệ thống làm mát chuồng đạt 50%.
Toàn tỉnh có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải, thu trứng, gần 90 % trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường.