Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên ngày 4/8.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc tập trung chỉ đạo các bước cho sản xuất của tỉnh Hưng Yên. Tỉnh đã coi trọng công tác tiêu thụ sản phẩm, mời gọi các doanh nghiệp về thu mua nông sản. Đáng chú ý là việc tiêu thụ các nhóm đặc sản nổi tiếng của địa phương như nhãn lồng, vai lai chín sớm Phù Cừ, mật ong, long nhãn, chuối tiêu hồng Khoái Châu, cam Hưng Yên...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với cây nhãn lồng đặc sản, Hưng Yên cần có chiến lược phát triển bền vững. Vụ năm nay nhãn Hưng Yên bội thu năng suất nhưng phải đi đôi với tăng giá trị. Cần có biện pháp hiệu quả nhất để tiêu thụ, tổ chức tốt các hình thức xúc tiến thương mại thật thiết thực; tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con nông dân và các hợp tác xã tham gia, tiếp cận với doanh nghiệp để kết nối giao thương, chào hàng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức tốt các hình thức hội chợ nông sản, biến thành ngày hội để người dân và doanh nghiệp chia sẻ, gắn kết, đồng hành về lâu dài.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh triển khai phát động tổng vệ sinh toàn tỉnh, xử lý môi trường với các vùng nước ngập trũng, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch. Tuyên truyền vận động người dân biến vườn cây thành vườn cảnh, thu hút khách tham quan, nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái vùng ven Thủ đô.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về "tam nông", tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến vượt bậc trong thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nông dân. Toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 9.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, cho thu nhập cao gấp 5 lần, giá trị trên 1ha canh tác đạt hơn 170 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình cho lãi trên 500 triệu đến hàng tỷ đồng/ha mỗi năm.
Về tiêu thụ nông sản, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại như lễ hội nhãn lồng, lễ hội cam, hội chợ nông sản vùng miền... Riêng vụ nhãn năm nay sẽ tổ chức các chuỗi hoạt động của lễ hội nhãn lồng như: hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 tại Hà Nội, phiên chợ nhãn lồng tại khu đô thị Ecopark...
Tỉnh cũng có các phương án tiêu thu nhãn thông qua kênh tiêu thụ truyền thống, ký kết với trên 350 doanh nghiệp, siêu thị phân phối trong toàn quốc; ký kết tiêu thụ với các thương lái Trung Quốc, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất Chính phủ điều chỉnh một số tiêu chí về vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để phù hợp với quy mô các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Mặt khác, hỗ trợ xây dựng các cơ sở bảo quản chế biến nông sản, hình thành các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp giữ vai trò kết nối; tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.