Các chỉ số này dự kiến sẽ được các Quỹ xây dựng sản phẩm ETF (một hình thức quỹ đầu tư vào chỉ số), nhằm thu hút sự đầu tư của nhà đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cụ thể.
Theo đó, chỉ số VN Diamond bao gồm 14 cổ phiếu thành phần. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục này, ở mức 39,3%; tiếp đến là bất động sản… Cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động, FPT (Công ty cổ phần FPT), và TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam) là 3 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 15%/mã trong danh mục này.
Đây là những cổ phiếu có vốn hóa tối thiểu từ 2.000 tỷ đồng và giá trị giao dịch khớp lệnh tối thiểu 5 tỷ đồng/ngày đối với cổ phiếu thuộc VNAllshare và tối thiểu 5.000 tỷ đồng và giá trị giao dịch khớp lệnh tối thiểu 15 tỷ đồng/ngày đối với cổ phiếu ngoài VNAllshare.
Đồng thời, những cổ phiếu này phải có tỷ lệ sở hữu thực tế nhà đầu tư nước ngoài trên giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) tối thiểu 95%, giá trị vốn hóa nhà đầu tư nước ngoài còn có thể mua được tối đa 500 tỷ đồng. Giới hạn tỷ trọng vốn hoá của các cổ phiếu trong VN Diamond là 15% đối với từng cổ phiếu và 40% đối với các cổ phiếu có cùng nhóm ngành.
Chỉ số VNFIN Lead cũng gồm 14 cổ phiếu thành phần. Riêng danh mục của VNFIN Select có 17 cổ phiếu. Cả hai bộ chỉ số này được HOSE xây dựng dựa trên các cổ phiếu thành phần thuộc chỉ số ngành tài chính - VNAllshare Financials Index và bổ sung quy định giới hạn tỷ trọng vốn hoá của cổ phiếu thành phần là 15%. Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt về tiêu chí xem xét cổ phiếu thành phần của 2 chỉ số.
Chỉ số VNFIN Lead bao gồm tối thiểu 10 cổ phiếu thành phần, trong đó cổ phiếu được xem xét trở thành cổ phiếu thành phần khi có tỷ suất quay vòng tối thiểu 0,1% và giá trị giao dịch tối thiểu 10 tỷ đồng. Còn chỉ số VNFIN Select yêu cầu các cổ phiếu thành phần phải có giá trị vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng và có giá trị giao dịch tối thiểu 1 tỷ đồng/phiên.
Theo HOSE, việc xây dựng các chỉ số đầu tư chứng khoán theo nhu cầu đầu tư của các Quỹ đầu tư là một bước đi tất yếu và đã được các Sở Giao dịch Chứng khoán trên thế giới thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường. Với sự ra mắt các chỉ số mới này, HOSE kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhận định của các công ty chứng khoán cũng cho thấy, việc HOSE triển khai 3 bộ chỉ số mới sẽ tạo tiền đề hình thành các quỹ ETF chỉ số, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt tại các cổ phiếu đã kín room khối ngoại.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc xây dựng các bộ chỉ số mới sẽ giúp cho các công ty quản lý quỹ trong nước tạo ra các quỹ ETF, phần nào giải quyết bài toán giới hạn sở hữu nước ngoài. Các cổ phiếu có thể được thêm vào những chỉ số này đều là các cổ phiếu có vốn hóa lớn và có tỷ trọng khá cao trong VN-Index. Do đó, thông tin này khá tích cực đối với thị trường trong bối cảnh thiếu những thông tin hỗ trợ, nhất là khi Luật Chứng khoán sửa đổi (Luật được thông qua là cơ sở để giải quyết bài toán giới hạn sở hữu nước ngoài) sớm nhất phải tới 2021 mới có hiệu lực, trong trường hợp được thông qua vào thời gian tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các rủi ro quốc tế vẫn còn cao, VDSC cũng lưu ý rằng quy mô của các ETF mô phỏng các chỉ số mới này có thể sẽ không lớn trong thời gian đầu, tương tự những gì diễn ra với Quỹ ETF VFMVN30 (một thời gian dài trầm lắng trước khi bùng nổ cùng thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn từ 2017 đến đầu 2018).