Trước đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp kinh phí hơn 35,8 tỷ đồng (đợt 2/2018) và 16 tỷ đồng (đợt 1/2018) để hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá tại các địa phương ven biển tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa.
Như vậy, tính tổng công cả 3 đợt trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chi tổng cộng hơn 76,5 tỷ đồng hỗ trợ tàu cá đánh bắt xa bờ; trong đó, riêng đợt 3/2018, huyện Phú Vang được hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng (hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển 14,9 tỷ đồng, hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc 700 triệu đồng, hỗ trợ mua bảo hiểm hơn 555 triệu đồng).
Huyện Phú Lộc được hỗ trợ hơn 8,3 tỷ đồng (hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển 7,175 tỷ đồng, hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc 924 triệu đồng, hỗ trợ mua bảo hiểm hơn 209 triệu đồng); thành phố Huế được hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển 425 triệu đồng.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ - CP (Nghị định 67) về chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương của các xã vùng biển cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp 40 tàu cá; trong đó, có 4 tàu vỏ thép có công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400 đến 800CV. Tổng dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại gần 182 tỷ đồng; trong đó, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá 177,49 tỷ đồng, cho vay vốn lưu động 4,35 tỷ đồng.
Nhờ được hỗ trợ, lĩnh vực thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có bước phát triển mạnh với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 10.813 tấn/năm, tăng 5,59%; khai thác biển đạt khoảng 32.500 tấn/năm, tăng 21,73%.
Điều này góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá theo hướng tích cực. Các địa phương trong vùng chuyển từ sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có giá trị và hiệu quả cao.
Cùng đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã đạt khoảng 16 triệu USD, tăng 2,1 lần so với các năm trước.
Kinh tế biển đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư đúng hướng, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Ngư dân đã đầu tư thêm nghề mới, bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ đại dương, cá lạc, cá cờ.
Các địa phương vùng ven biển thành lập được 330 cơ sở chế biến, sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô, tạo ra một hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống dân cư trong vùng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Sỹ Nguyên cho biết, theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định nâng đội tàu đánh bắt xa bờ từ hơn 400 chiếc lên 600 chiếc và nâng tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ đạt trên 70%. Ngoài ra, còn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá để phục vụ phát triển thủy sản.
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến chính sách của NĐ 67, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản mà trọng tâm ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ đáp ứng nghề cá xa bờ.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm đôn đốc và hướng dẫn thủ tục nhanh chóng cho các chủ tàu, doanh nghiệp tham gia các chính sách thuộc Nghị định 67, trọng tâm là hỗ trợ các dự án đóng tàu có tính công nghệ cao như tàu vỏ thép, tàu vỏ composite…