Đồng thời, dự án đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông thôn chống chịu được với các hiện tượng thời tiết cực đoan và phục vụ đời sống cho các hộ dân ở 30 xã trong vùng dự án; xây dựng các hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại 30 xã dự án giảm hơn 70%, thu nhập người dân trong vùng dự án tăng đáng kể.
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD Trà Vinh cho biết, dự án được thực hiện từ năm 2014 và kết thúc cuối năm 2020. Trước đó, nhận thấy cộng đồng dân cư tỉnh Bến Tre và Trà Vinh thường xuyên bị tác động biến đổi khí hậu nên Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã tài trợ 2 tỉnh thực hiện dự án nhằm xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; đồng thời nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Trà Vinh, tổng nguồn vốn đầu tư của dự án hơn 522 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay của IFAD hơn 233,5 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD hơn 126,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 79,5 tỷ đồng, số tiền còn lại do người hưởng lợi đối ứng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Trà Vinh, dự án đã làm chuyển biến đáng kể về nhận thức của chính quyền, đoàn thể và người dân về biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng tự thích ứng. Nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, mô hình khảo nghiệm, mô hình sản xuất thành công và được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nhân rộng.
Các kỹ thuật công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp được nông dân Trà Vinh ứng dụng như: quy trình sản xuất lúa thông minh theo phương pháp ngập khô xen kẽ, sử dụng pin năng lượng mặt trời phục vụ điện cho vùng trồng màu, đầu tư phao quan trắc tự động đo độ mặn, độ kiềm, pH, thủy triều, hệ thống giám sát côn trùng thông minh…