Hơn 16.000 ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại

Chỉ trong vòng gần 4 tháng xuất hiện trở lại tại Việt Nam, sâu keo mùa thu đã gây hại trên hơn 16.000 ha ngô, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng

Chú thích ảnh
Cây ngô bị sâu keo mùa thu xâm hại ở Sơn La. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trên toàn quốc, cuối tháng 3 vừa qua, đã phát hiện sâu keo mùa thu tại một số vùng trồng ngô Điện Biên, Thanh Hóa.  Đến ngày 19/7, tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại trên ngô hè thu toàn quốc đã là 16.464 ha (tăng 1.561 ha so với kỳ trước), phân bố ở hầu hết các tỉnh trồng ngô trong cả nước. Trong đó, diện tích bị hại nặng (tương đương 8 con sâu/m2) là 2.595 ha ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên như Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Ninh Bình, Đồng Nai, Đắc Lắk, Nghệ An.

Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sâu keo mùa thu là loài sâu hại mới được phát hiện có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiprda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này được phát hiện lần đầu tại châu Á là ở Ấn Độ vào tháng 7/2018. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm.

Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu được phát hiện từ tháng 3/2019, được cảnh báo là gây hại nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Tại Hải Dương, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh này cho biết, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên ngô vụ xuân (đa số trên vùng đất bãi, chân vàn cao). Loài sâu này thích nhất là ăn lá, nõn ngô non, chúng tàn phá ngô rất nhanh. Từ đầu vụ đến nay, nhiều nơi nông dân đã phải phun 2 - 3 đợt để diệt trừ, tuy nhiên do đặc thù, loài sâu này thường chui vào nõn ngô nên phun trừ rất khó khăn.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNN) cho biết, qua theo dõi, đánh giá mức độ gây hại của sâu keo mùa thu ở nhiều tỉnh, thành đến nay cho thấy, mặc dù giai đoạn ngô non 5 - 9 lá bị gây hại những vẫn trổ cờ, phun râu bình thường. Giai đoạn này cây ngô có khả năng phát triển thân, lá bù lại những phiến lá bị gây hại, khi cây ngô hình thành bắp vẫn bị sâu hại nhưng ít ảnh hưởng đến năng suất hạt.

Cục Bảo vệ thực vật cũng dự báo trong tháng 7 này, ngô hè thu sẽ tiếp tục được xuống giống nên trong thời gian tới diện tích nhiễm sâu keo mùa thu sẽ tăng. Hiện nay, ngô hè thu chủ yếu đang ở giai đoạn ngô non (mới trồng - 9 lá - phát triển bắp) là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu keo mùa thu. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, ngô đông sớm xuống giống có khả năng sẽ tiếp tục bị sâu keo mùa thu gây hại.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, trong thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô hè thu và ngô đông trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời.

Gấp rút các biện pháp công tác phòng, chống

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ban ngành và cơ quan chuyên môn của địa phương về tăng cường các giải pháp phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất ngô do sâu keo mùa thu gây ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác; hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành.

Thông tin, tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại cũng như các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông và nông dân.

Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công như: thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu trên đồng ruộng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng.

Trực tiếp chỉ đạo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trước mắt cần tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của loài sâu hại này, sử dụng các biện pháp phòng trừ đúng kỹ thuật.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngoài các thuốc bảo vệ thực vật, thí nghiệm ban đầu cho thấy, bả sinh học đã cho hiệu quả khi tiêu diệt được sâu keo mua thu. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tìm hiểu về quy trình, mật độ đặt bả sinh học trên các ruộng ngô để sớm đưa xuống cho bà con nông dân. Đây là giải pháp rất hiệu quả, vừa an toàn cho môi trường mà lại ít tốn kém.

Trên đồng ruộng, khi ngô non dễ nhìn thấy ổ trứng cần nhanh chóng tiêu diệt, không để trứng nở ra sâu non. Các diện tích ngô bị nhiễm nặng không có khả năng phục hồi thì cần phá bỏ, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn tàn dư trên đồng ruộng, chính vì vậy Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật cùng các địa phương cần sớm tìm ra phương án xử lý đất sau dịch bệnh.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật đặt hàng nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào áp dụng trong sản xuất. Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn cho môi trường; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu tuyển chọn giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để áp dụng vào sản xuất.

Minh Thy/Báo Tin tức
Sâu keo phá hoại gần 280 ha hoa màu ở Đồng Nai
Sâu keo phá hoại gần 280 ha hoa màu ở Đồng Nai

Ngày 30/5, ông Nguyễn Tràng Thịnh, Trưởng Trạm kiểm dịch thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 5/2019 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 280 ha hoa màu bị loại sâu keo mùa thu phá hoại. Đây là loại sâu hại xâm nhập lần đầu tiên xuất hiện ở Đồng Nai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN