Hơn 1.500 ha ở Ninh Thuận phải ngưng sản xuất vì thiếu nước tưới

Do không chủ động được nước tưới, vụ Hè Thu 2019 có hơn 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương của tỉnh Ninh Thuận phải ngưng sản xuất, thậm chí cũng không thể chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày hay dài ngày.

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích sản xuất lúa ở huyện Thuận Nam phải ngưng sản xuất do thiếu nước tưới.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2019, Ninh Thuận tiến hành sản xuất 30.100 ha; trong đó lúa hơn 13.520 ha, còn lại là các loại cây ngắn ngày, dài ngày. Riêng với sản xuất lúa, ngành nông nghiệp chỉ cho thực hiện gieo cấy ở vùng chủ động nước tưới thuộc các huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Sơn và một số khu vực ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các địa phương khác chỉ cho thực hiện gieo ở vùng đầu nguồn.    

Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên khai thác các công trình thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận), hiện nay lượng nước tích trữ được tại 21 hồ chứa trong tỉnh do công ty quản lý hiện có hơn 107 triệu m3/194,49 triệu m3 dung tích thiết kế; trong đó đã có 10 hồ chứa, lượng nước chỉ còn dưới 1 triệu m3.

Điều đáng nói hơn, riêng hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) hiện nay lượng nước còn rất thấp, chỉ 43,05 triệu m3/165 triệu m3 dung tích thiết kế, trong khi đây hồ chứa vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho việc phát điện của nhà máy thủy điện Đa Nhim. Hiện lưu lượng nước vào hồ chỉ khoảng 18 m3/s, nhưng lưu lượng xả để phục vụ cho phát điện, cho sinh hoạt và sản xuất vụ Hè Thu ở Ninh Thuận đến hơn 22,4 m3/s. Nếu không có mưa, không có lượng nước bổ sung thì nguy cơ thiếu nước tưới đến cuối vụ khó tránh khỏi.  

Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Nam cho biết, do lượng nước ở hồ xuống thấp như: Hồ Sông Biêu chỉ còn 3,24 triệu/23,78 triệu m3 dung tích thiết kế; hồ Tân Giang còn 5,46 triệu/13,39 triệu m3 dung tích thiết kế nên đến hôm nay, toàn huyện phải ngưng sản xuất với diện tích hơn 1.200 ha.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, các địa phương không chủ động nước tưới thì dứt khoát không cho sản xuất. Nguồn nước dự trữ ở các hồ được quản lý chặt chẽ, chỉ ưu tiên cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc nên nhiều diện tích gieo cấy phải ngưng sản xuất. Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến cáo người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những nơi phù hợp, tránh gieo cấy lúa dẫn đến thiệt hại.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, vụ Hè Thu này toàn tỉnh chuyển đổi 940 ha đất lúa không chủ động nước tưới chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ mới được hơn 560 ha.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung
Hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung

Nắng nóng kéo dài và lượng mưa thấp hơn trung bình các năm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước đang diễn ra tại miền Trung. Những địa phương đang bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Bình Định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN