Trong bối cảnh đó, quan hệ hợp tác kinh tế TP HCM – Hàn Quốc đang phát triển hết sức sôi nổi và tích cực. Tính đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại TP HCM với hơn 1.260 dự án với tổng vốn đầu tư ước đạt 4,3 tỉ USD. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Lotte, CJ… hiện đang hoạt động hiệu quả với nhiều dự án lớn tại Thành phố.
Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại, trong 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt hơn 2,6 tỉ USD; về du lịch, TP HCM đã đón hơn 240.000 lượt khách du lịch Hàn Quốc. Với những số liệu này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thành Liêm cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa TP HCM và Hàn Quốc trong những năm gần đây thực sự đáng quan tâm. Theo đó, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa TP HCM và Thành phố Đe-gu vào tháng 5/2015 và việc khai trương Văn phòng Đại diện Thành phố Đe-gu tại TP HCM ngày 11/10 là những bước khởi đầu tốt đẹp cho việc triển khai các dự án hợp tác cụ thể giữa TP HCM và Đe-gu.
Ký kết trao đổi hợp tác thương mại giữa Thành phố Đe-gu và ITPC |
Hiện nay, TP HCM đang tập trung và có những ưu đãi riêng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào 09 nhóm ngành dịch vụ được ưu tiên phát triển gồm: Tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; Thương mại; Vận tải – kho bãi, dịch vụ cảng – hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; Bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; Kinh doanh tài sản – bất động sản; Dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ; Du lịch; Y tế; Giáo dục – đào tạo. Chính sách phát triển 04 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, gồm: Cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin; Hóa chất – nhựa – cao su; Chế biến tinh lương thực thực phẩm; Các ngành công nghệ sinh học, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng. |
Trên cơ sở hợp tác đó, TP HCM mong muốn nhà đầu tư đến từ Thành phố Đe-gu xác định 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 7 chương trình đột phá mà TP HCM đang hướng đến trong thời gian tới, trong đó tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố. Tuy nhiên, TP HCM vẫn ưu tiên cho các mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường; chỉnh trang và phát triển đô thị.
“Khát vọng lớn hơn của chúng tôi là giành lại cho TP HCM ngôi vị trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Trong quá trình đó, TP HCM luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu và triển khai hoạt động tại địa bàn. Chúng tôi luôn xem thành công của các nhà đầu tư nước ngoài tại Thành phố là thành công của chính mình”, PCT Lê Thành Liêm nhấn mạnh.
Theo đó, tại diễn đàn doanh nghiệp TP HCM – Đe-gu, do Trung tâm xúc tiến Thương mại TP HCM (ITPC) tổ chức ngày 11/10 vừa qua, cả 2 thành phố mong muốn giới thiệu tiềm năng, điều kiện thuận lợi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, kinh doanh của nhau, từ đó có cơ hội tìm kiếm đối tác phù hợp.
Ông Kwon YoungJin, Thị trưởng thành phố Đe- gu cho biết hiện Hàn Quốc đứng đầu trong các quốc gia có đầu tư ở Việt Nam, riêng thành phố Daegu cũng có khoảng 80 doanh nghiệp đang đầu tư hoạt động tại Việt Nam. Vì thế, lãnh đạo thành phố Đe-gu mong rằng các doanh nghiệp Da-gu tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng sẽ được hỗ trợ tích cực về các hoạt động kinh tế cũng như tài chính, tín dụng, qua đó giao lưu kinh tế sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Tính lũy kế từ năm 1988 đến nay, TP HCM hiện còn 6.325 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,83 tỷ đô-la Mỹ. Hiện tại có 79 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại TP HCM. Đứng đầu là Đảo quốc Singapore với tổng vốn đầu tư 9,58 tỷ USD; kế đến là Malaysia với 4,94 tỷ USD; British Virgin Islands đứng thứ 3 chiếm 4,34 tỷ USD; thứ 4 là Hàn Quốc với 4,24 tỷ USD và thứ 5 là Hồng Kông 2,95 tỷ USD;.... Lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản với 14,32 tỷ USD; thứ 2 là Công nghiệp chế biến, chế tạo 13,45 tỷ USD; kế đến là lĩnh vực Giáo dục-đào tạo 3,73 tỷ USD; buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác là 3,18 tỷ USD; thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ 1,5 tỷ USD,... |