Đến nay, giao thông trên các tuyến quốc lộ chính cơ bản thông suốt, liên tục và an toàn.
Để tập trung ứng phó tình hình mưa, lũ sau bão số 3, hôm nay 10/9, Cục Đường bộ Việt Nam ban hành công điện gửi các Khu Quản lý đường bộ I, II; các sở giao thông thông vận tải; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT.
Công điện yêu cầu các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp chủ động, tích cực, kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng đường bộ để có phương án phân luồng giao thông sang tuyến khác, hoặc đường tránh có đủ điều kiện khai thác an toàn; kiên quyết tạm dừng khai thác, sử dụng vào mục đích giao thông để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia giao thông đối với một số trường hợp.
Cụ thể, đối với các công trình cầu không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng do thiên tai, mức nước dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, cầu yếu, các trường hợp có dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn công trình; các vị trí ngầm, tràn nước ngập, chảy xiết; các đoạn đường bị sụt lở đứt đường, đứt một phần đường mà phần còn lại không bảo đảm an toàn giao thông. Các vị trí sạt lở ta luy dương toàn bộ mặt đường nhưng chưa khắc phục; cống và nền đường cuốn trôi chưa khắc phục.
Ngoài ra, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp kiên quyết tạm dừng khai thác, sử dụng các bến phà, cầu phao mức nước sông, lưu tốc dòng chảy lớn quá quy định và các trường hợp chưa bảo đảm an toàn trong khai thác, sử dụng cho người, phương tiện tham gia giao thông; các trường hợp không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng khác;
Tuỳ mức độ hư hỏng, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu phải có biện pháp tổ chức giao thông phù hợp; hạn chế giao thông; chỉ đạo tổ chức trực gác điều tiết phân tán, giảm mật độ giao thông và tránh tập trung nhiều người và phương tiện cùng tham gia giao thông, bổ sung các báo hiệu đường bộ và các biện pháp an toàn khác.
Đặc biệt lưu ý đối với đường, gồm: các đoạn đường dấu hiệu tiếp tục sạt lở ta luy, vị trí có nguy cơ đá lăn, đất sụt; vị trí đã sạt lở lấp một phần mặt đường nhưng chưa khắc phục xong; các vị trí sạt lở một phần ta luy âm; các vị trí cây, vật kiến trúc đổ chắn đường nhưng chưa kịp khắc phục; các vị trí hư hỏng nặng một phần cống, ngầm, tràn ngập ít, vận tốc nước chảy chậm; các bến phà đang khai thác trong mùa mưa lũ và khi gặp điều kiện bất lợi; các trường hợp cần thiết khác.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu kiểm tra đánh giá các công trình an toàn giao thông, các loại báo hiệu đường bộ để sửa chữa, thay thế, bổ sung kịp thời; kiểm tra, đánh giá các bộ phận, hạng mục thiết bị điện, hệ thống dây dẫn điện lắp đặt vào kết cấu hạ tầng đường bộ, phục vụ vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ để bảo đảm an toàn điện. Đồng thời, kiểm tra các máy móc, thiết bị trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe, các hệ thống máy móc, thiết bị khác để bảo đảm an toàn và khai thác, sử dụng hiệu quả.