Hội thảo lần này tập trung vào khung chính sách và các quy định về quản lý nước thải đô thị, các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm mục tiêu thúc đẩy quản lý nước thải phi tập trung và đạt được mục tiêu phát triển bền vững về giảm 50% tỉ lệ nước thải chưa qua xử lý đến năm 2030 tại châu Á.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết: Công cuộc bảo vệ môi trường ở bất kỳ quốc gia nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và người dân, bên cạnh đó sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ giữa các nước ở khu vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế.
Đối với Việt Nam, Hội thảo được tổ chức tại thời điểm này sẽ góp phần tích cực trong việc đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nước thải trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đang được soạn thảo, cũng như hỗ trợ việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và thúc đẩy việc tiếp thu học hỏi các kinh nghiệm quốc tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Trần Anh Tuấn, Việt Nam có hơn 830 đô thị. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của đô thị có công suất khoảng 1 triệu m3/ngày đêm đang chủ yếu là các hệ thống thoát nước tập trung tại các đô thị lớn và khu vực trung tâm các đô thị.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải phi tập trung ở các khu đô thị mới, khu vực ven đô còn rất hạn chế, vấn đề ô nhiễm nước thải các khu vực này đang rất cấp bách cần được quan tâm. Với những khu vực ven đô, khu vực không có điều kiện xây dựng hệ thống tâp trung thì giải pháp thoát nước phi tập trung sẽ đạt hiệu quả cao về kinh tế, kỹ thuật, xã hội cũng như phân kỳ đầu tư phù hợp.
Nhưng để thực thi về đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phi tập trung thì cần phải xem xét, hoàn chỉnh từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đặc biệt là công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện từng địa phương, cũng như sự tham gia của cộng đồng.
Tại Hội thảo, ông Yuji Hirose, đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản, giới thiệu về hệ thống xử lý nước thải phi tập trung tại Nhật Bản. Hệ thống này chủ yếu xử lý nước thải đen. Nhà nước trợ cấp chi phí về lắp đặt, bảo hành cho một số hộ dân và đô thị… Ông cho biết, Nhật Bản cũng đang hợp tác với các nước trong khu vực như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan… để phát triển hệ thống xử lý nước thải phi tập trung.
Giám đốc Văn phòng xúc tiến Johkasou (Bộ Môi trường Nhật Bản) Takayuki Matsuda chia sẻ thêm, hiện tại Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật Bản hỗ trợ cho việc thực hiện hệ thống đánh giá xử lý nước thải sinh hoạt tập trung phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á.