Hoạt động kinh doanh trở lại nhưng cần cảnh giác với dịch 

Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề xuất. Theo đó, phân các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ, nguy cơ thấp và nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 23/4, các địa phương có nguy cơ thấp như Quảng Nam, Cần Thơ đã có nhiều biện pháp ứng phó với tình hình mới, đảm bảo hoạt động kinh doanh nhưng cần cảnh giác với dịch.

Tại cuộc họp thường kỳ bàn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn diễn ra ngày 22/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã phân loại các địa phương thuộc ba nhóm nguy cơ. Tỉnh Quảng Nam thuộc nhóm nguy cơ thấp. 

Chú thích ảnh
Hàng, quán tại thành phố Hồ Chí Minh mở cửa bán lại sau 10 ngày giãn cách xã hội. Hình minh họa. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Do đó, từ ngày 23/4, tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ đi làm lại bình thường. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cho phép các Trung tâm hành chính công và các bộ phận một cửa được hoạt động trở lại. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sẽ chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đông người đến giao dịch trong cùng thời điểm. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xây dựng những kế hoạch cụ thể, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định để triển khai công tác khử khuẩn trường, lớp học theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm chuẩn bị cho học sinh, sinh viên đi học trở lại sau ngày 3/5/2020.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị sẵn sàng các phương án để hướng dẫn các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên đến trường, thực hiện việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong lớp học… Bên cạnh đó, tỉnh cho phép mở các quán hàng ăn uống thiết yếu phục vụ nhân dân nhưng nhân viên các hàng quán phải tuân thủ đeo khẩu trang trong lúc phục vụ…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, tỉnh Quảng Nam là địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục bám sát chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành tham mưu cho UBND tỉnh để cụ thể hóa các giải pháp phù hợp với tình hình của địa phương. Từ đó, thực hiện được mục tiêu kép là vừa đảm bảo an toàn về dịch bệnh vừa đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. 

Với quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19, nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ủng hộ cho các lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương với số tiền hơn 9 tỷ đồng cùng 5 tấn gạo; 10.000 lít cồn; hơn 51.000.000 khẩu trang y tế; hàng trăm thùng nước yến, nước tăng lực, nước sát khuẩn; hàng trăm bộ quần áo phòng dịch, thùng găng tay, đồ bảo hộ cùng hàng nghìn suất quà có giá trị khác… Toàn bộ số tiền và hàng hóa, nhu yếu phẩm được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp nhận, phân bổ kịp thời, đúng mục đích cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tập trung nguồn lực chăm lo cho người dân tại các khu cách ly tập trung… 

* Tại thành phố Cần Thơ, trong thông báo mới nhất liên quan đến dịch COVID-19, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Cần Thơ cho biết: Từ ngày 23/4, Cần Thơ chuyển sang "trạng thái mới" để thích ứng với dịch còn tiếp tục diễn biến, đó là duy trì trở lại các hoạt động kinh doanh nhưng không quên cảnh giác với dịch.

Để hiện thực hóa định hướng đó, Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Mạnh đề nghị các sở, ngành và người dân thành phố nghiêm túc thực hiện ba nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, phải đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tập trung đông người, hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết. Sở Y tế cần hoàn thiện gấp bộ tiêu chuẩn về các biện pháp đảm bảo an toàn y tế trong các cơ quan, cơ sở kinh doanh, sản xuất, thương mại dịch vụ.

Nếu cơ sở kinh doanh nào không đáp ứng được hoặc không đủ điều kiện, cơ sở đó phải tạm dừng hoặc đóng cửa. Thứ hai, cho phép mở cửa hoạt động trở lại các loại hình kinh doanh dịch vụ trừ các lĩnh vực không thiết yếu như các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao công cộng, vui chơi giải trí, quán bar, quán ăn phục vụ bia rượu. Thứ ba, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, làm việc, học tập trực tuyến, bán hàng online, thanh toán không dùng tiền mặt...

Lý giải cho việc nới lỏng một số quy định đối với các hoạt động kinh doanh trong mùa dịch, ông Lê Quang Mạnh nhận định: Thành phố Cần Thơ được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, mọi người phải xác định thích ứng, sống chung an toàn tương đối dài để giảm thiểu rủi ro của dịch. Cùng với đó là các biện pháp duy trì cuộc sống, duy trì công việc, phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập thấp.

Thời gian qua, nhân dân thành phố Cần Thơ đã có nhiều cố gắng, hạn chế những hoạt động trong cuộc sống bình thường của mình để cùng các cấp chính quyền phòng chống dịch, góp phần bước đầu gặt hái được những kết quả tốt.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
TP Hồ Chí Minh nới lỏng các hoạt động kinh doanh nhưng phải đáp ứng tiêu chí  về phòng chống dịch
TP Hồ Chí Minh nới lỏng các hoạt động kinh doanh nhưng phải đáp ứng tiêu chí về phòng chống dịch

Chiều tối 22/4, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã xác định chuyển TP Hồ Chí Minh sang nhóm có nguy cơ. Do đó, từ 0 giờ ngày 23/4, thành phố tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Tuy nhiên, sẽ có một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu được nới lỏng nhưng phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN