Hoàn thiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang tiến hành xây dựng dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, dự kiến trình Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV năm 2021.

Chú thích ảnh
 Vận chuyển hàng hóa tại cảng Sài Gòn. Ảnh minh họa: VNP/vietnam.vnanet.vn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Kế hoạch dựa trên mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cũng như thực tiễn triển khai quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và phân tích, dự báo bối cảnh phát triển đất nước giai đoạn tới.

Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở báo cáo kết quả và định hướng cơ cấu nền kinh tế của các bộ, ngành, địa phương, các chuyến khảo sát tại một số địa phương và các buổi trao đổi, tham vấn với các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp.

Dự thảo Đề án Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ngoài phần mở đầu và Phụ lục, gồm bốn phần và ba phụ lục như sau: Phần 1: Kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Phần 2: Bối cảnh, quan điểm, mục tiêu xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Phần 3: Những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Phần 4: Tổ chức thực hiện.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các nội dung của Dự thảo kế hoạch. Đặc biệt, đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét, đề xuất, bổ sung các mục tiêu, định hướng và các giải pháp cụ thể nhằm cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ nói riêng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được triển khai ngay từ đầu giai đoạn chiến lược 2011-2020 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, từ nước có thu nhập trung bình thấp lên nước có thu nhập trung bình cao.

Sau thời gian thực hiện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực. Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế bao gồm, đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Đặc biệt, bối cảnh phát triển mới đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội mới với nước ta, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh trọng tâm kế hoạch cho phù hợp. Tác động của đại dịch COVID-19, xu hướng địa chính trị, những xung đột thương mại và cạnh tranh của các nước lớn, biến đổi khí hậu, … đặt ra các yêu cầu cấp thiết, bao gồm: củng cố nền tảng vĩ mô để tạo dư địa chính sách, ứng phó với những cú sốc bên ngoài; tăng cường nội lực và khai thác thị trường trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiến tới làm chủ tiến bộ công nghệ nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu phát triển tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 6,5-7%, đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển hướng đến công nghiệp hiện đại, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Đây là những mục tiêu mà chỉ thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và dựa vào đổi mới sáng tạo mới có thể đạt được.

Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ "tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh". Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được xây dựng nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai nhiệm vụ trên.

Thúy Hiền (TTXVN)
MSCI chính thức gọi tên SHB trong đợt cơ cấu tháng 5/2021
MSCI chính thức gọi tên SHB trong đợt cơ cấu tháng 5/2021

Sáng ngày 12/5 theo giờ Việt Nam, trong đợt review tháng 5/2021, Tổ chức nghiên cứu và phân tích chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã quyết định thêm cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội vào rổ danh mục của chỉ số MSCI Frontier Market Index - chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN