Ba nguồn năng lượng cần quan tâm đưa vào quy hoạch
Tại Diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 12/12, TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Trong khu vực Hà Nội có 3 nguồn chính cần được quan tâm và đưa vào quy hoạch phát triển Thủ đô xanh là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tuy nhiên, việc khai thác 3 nguồn năng lượng này còn khó khăn.
Đối với năng lượng gió, hiện công nghệ sản xuất tua bin đã rất phát triển nhưng Thủ đô thiếu bản đồ gió trong khu vực địa giới hành chính của Thủ đô và vùng phụ cận.
Mặt khác, theo TS Nguyễn Đức Kiên, đến thời điểm này, Thủ đô chưa có một khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo riêng mà chủ yếu chỉ áp dụng các cơ chế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa sử dụng hết tiềm năng của Thành phố đã được quy định trong Luật Thủ đô 2024.
Để phát triển thành phố xanh, trước hết phải trả lời được 3 câu hỏi: Xanh hóa đô thị cần phải phân chia giữa đô thị mới và đô thị cũ như thế nào? Huy động sự tham gia của người dân quá trình xanh hóa đô thị để có một mức sống với chi phí hợp lý phù hợp với thu nhập? Kết hợp quá trình đô thị hóa được phân chia thế nào giữa các không gian địa giới hành chính, tỉnh lân cận?
Đối với câu hỏi thứ nhất, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: “Chi phí trong một đô thị là rất đắt đỏ so với khu vực nông thôn. Việc đảm bảo xanh hóa với việc ứng dụng năng lượng tái tạo, hay phân rác tại nguồn ở các đô thị mới bao giờ cũng dễ hơn các đô thị cổ được hình thành từ lâu”.
Đối với vấn đề thứ hai, theo ông Nguyễn Đức Kiên, tại các khu đô thị mới khả năng của người dân đóng góp kinh phí vào ứng dụng năng lượng tái tạo, thực hiện môi trường xanh có điều kiện thuận tiện hơn và dễ được người dân chấp nhận trong giá thành của các công trình xây dựng ngay từ đầu khi họ chuyển đến.
"Đối với vấn đề thứ ba, cần phải có một cách nhìn mới về không gian kinh tế và không gian môi trường, xóa bỏ cách nhìn nhận từ không gian quản lý hành chính. Chúng ta có thể sử dụng các trung tâm năng lượng tái tạo phi tập trung để hỗ trợ cho các khu đô thị mới nhưng đứng về góc độ kinh tế thì chi phí xây dựng một trung tâm năng lượng tái tạo ở khu vực không phải đô thị sẽ rẻ hơn khi xây dựng ở trong đô thị do giá đất và các chi phí khác ở trong đô thị đều cao", TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.
Như vậy, sẽ có một xu thế mở rộng các khu tái định cư và phát triển ra vùng ven của đô thị lõi. Đây chính là mô hình phát triển đô thị theo kiểu vết dầu loang hoặc là phi tập trung hóa mà nhiều nước ở Châu Âu đã áp dụng.
Thủ tục pháp lý cần thuận lợi hơn
Để cho năng lượng tái tạo trở thành một trong những nguồn lực chính của Thủ đô, TS Nguyễn Đức Kiên đề xuất về cơ chế chính sách dựa trên Luật Thủ đô sửa đổi đã trao quyền cho thành phố Hà Nội. Theo đó, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cần xây dựng và ban hành các chính sách, thủ tục pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư hay chủ các tòa nhà có thể chủ động thuận tiện trong việc đầu tư điện áp mái hay năng lượng xanh cho từng căn nhà của mình.
Hà Nội cần chủ động ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm dân dụng tiêu thụ điện được bán trên thị trường Thủ đô. Các nhà sản xuất phải áp dụng các tiêu chuẩn này khi cung cấp sản phẩm điện tiêu dùng ở khu vực Thủ đô, nếu không sẽ phải chịu một mức phí chuyển đổi năng lượng. Các tiêu chuẩn này phải phù hợp với các tiêu chuẩn mà các quốc gia công nghiệp phát triển đang áp dụng.
Tại Diễn đàn, TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Hà Nội nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
“Ban hành các tiêu chí phân loại xanh để thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu xanh; cải cách thủ tục hành chính trong tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp; thu hút khu vực tư nhân trong đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải”, TS Nguyễn Trung Thắng đề xuất.
Đối với chất thải nhựa, phía TN&MT cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về thuế, phí và xử lý vi phạm liên quan đến chất thải nhựa; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại hàng hóa chứa vi nhựa, nano nhựa, túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; hoàn thiện các quy định kỹ thuật để gắn nhãn sinh thái đối với các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đề xuất: Hà Nội cần tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, công tác thu gom rác thải; đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về công tác đẩy mạnh cơ giới hoá, điều chỉnh đơn giá, định mức thu gom vệ sinh môi trường theo cơ chế thị trường để đảm bảo hoạt động sản xuất, đời sống của những công nhân vệ sinh môi trường; cần công khai các thông tin, chỉ số về chất lượng môi trường, chất lượng không khí… đề người dân cùng nắm được, từ đó có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo môi trường.