Phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại

Ngày 17/12, Tạp chí Cộng sản và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại”.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội  phát biểu tại hội thảo.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, năm 2021 là một năm đầy thử thách với Hà Nội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Song với sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19; xác định phương châm phòng, chống dịch “từ sớm, từ xa” và chuẩn bị các điều kiện ở cấp độ cao hơn, cùng với những giải pháp, biện pháp trúng và đúng để tránh bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra. Do đó, trong 4 đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch, Thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và bảo vệ an toàn cho Thủ đô. Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, chuyển hướng chiến lược trong công tác phòng, chống dịch bệnh, từ mục tiêu “zero COVID-19” sang chủ động phòng chống dịch với nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong bối cảnh chịu tác động từ đại dịch COVID-19, kinh tế Thủ đô năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng dương, cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo; GRDP ước tăng 2,92%, tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao. Lạm phát được kiểm soát giữ ở mức 2,67%. Công tác cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính từng bước được tăng cường; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có chuyển biến. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; Thành phố đã quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,204 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 6.275 tỷ đồng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng…

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố (nhiệm kỳ 2020 - 2025), trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết. Thành phố xác định Hội thảo ngày hôm nay là một dịp rất quan trọng để Thành phố, Tạp chí Cộng sản và các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển Hà Nội theo hướng “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển đô thị nhanh và bền vững trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; đề xuất nội dung, phương thức, giải pháp giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng về dân số cơ học, bảo đảm tính bền vững của quá trình phát triển đô thị nhằm xây dựng Hà Nội theo hướng đô thị “xanh, thông minh và hiện đại”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Là một trong hai đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội cũng gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, do đó, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của Thủ đô và những nền tảng mà Thành phố đã thiết lập trong những năm qua.

Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, sở hữu những cơ hội lớn để phát triển đô thị xanh, thông minh bền vững, vận hành hiệu quả bằng công nghệ và hài hòa với môi trường.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội cũng nhận thức rõ vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức. Trước tiên, công tác cải cách hành chính còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc sau 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) đứng thứ 2.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn thiếu. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Quy mô, mật độ và tốc độ gia tăng dân số đô thị của Thành phố diễn ra nhanh gây ra những áp lực không nhỏ trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai.

Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa. Ứng dụng giao thông thông minh thiếu sự đồng bộ, chủ yếu tập trung vào các ứng dụng điều hành giao thông thông thường, mức độ tự động hóa chưa cao.Việc xử lý ngập úng, ùn tắc giao thông, quản lý chung cư còn nhiều thách thức. Nhiều vấn đề đặt ra trong giải quyết ô nhiễm môi trường, từ chất lượng không khí, nước sạch đến kiểm soát và xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm làng nghề chưa đạt được mục tiêu đặt ra.

Ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hoá, phát triển Thủ đô “xanh, thông minh, hiện đại” là hướng đi đúng đắn, tất yếu cho sự phát triển bền vững không chỉ của Hà Nội mà của nhiều thành phố khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai hướng đi trên lại theo những cách thức khác nhau tùy thuộc vào nguồn lực, chính sách, mục tiêu, và phạm vi cụ thể của mỗi thành phố. Mặt khác, đô thị xanh, thông minh ở Hà Nội dù có tiệm cận với tiêu chí chung của đô thị thông minh hiện đại trên thế giới vẫn cần phải có bản sắc riêng, đặc trưng riêng của Hà Nội, phản ánh đậm nét văn hóa của Thủ đô văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Vì vậy, đối diện với những hạn chế, thách thức trên, Hà Nội cần có những giải pháp với một mô hình phù hợp, bảo đảm lộ trình đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã có nhiều đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển Thủ đô theo hướng thông minh; mô hình chính quyền đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, vai trò của nông nghiệp xanh, kinh nghiệm phát triển đô thị các nước…

Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Hà Nội sẽ đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội; qua đó làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong phát triển bền vững, xây dựng và quản lý đô thị đồng bộ.

 

XM/Báo Tin tức
Lao động thời vụ không được làm thêm quá 12 giờ/ngày và 300 giờ/năm
Lao động thời vụ không được làm thêm quá 12 giờ/ngày và 300 giờ/năm

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng; trong đó quy định không được làm thêm quá 12 giờ/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN