Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng chuyển dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về TP Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Tây Ninh thực hiện, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai dự án với tốc độ cao. Với kế hoạch và lộ trình nhanh nói trên, dự án kỳ vọng sẽ đảm bảo đúng tiến độ, đúng dịp chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Hiện nay, chỉ có Quốc lộ 22 kết nối trực tiếp Tây Ninh với TP Hồ Chí Minh nhưng đang quá tải, trong khi giao thương hàng hóa giữa 2 địa phương ngày càng tăng cao. Vì thế, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ giảm quá tải cho Quốc lộ 22, giúp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.
Về tiến độ dự án, ông Võ Văn Hoan cho biết, cuối năm 2019, UBND tỉnh Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh sẽ tham mưu cho HĐND của hai địa phương thông qua chủ trương thực hiện dự án. Cuối năm 2020 thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, năm 2021 sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Công tác này sẽ tách thành 2 tiểu dự án do hai địa phương thực hiện, đồng thời trong năm 2021 sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án. Trong vòng 4 năm từ 2021 - 2025 sẽ tập trung thực hiện dự án, để dự án hoàn thành trước năm 2025.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh cũng thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật, điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai dự án, đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh… sớm đưa dự án vào khai thác.
Theo ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ tạo động lực phát tiển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh với cửa khẩu Mộc Bài, kết nối với Campuchia cũng như phát triển kinh tế - xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tỉnh Tây Ninh cam kết sẽ thực hiện các phần việc trên tinh thần và quyết tâm chính trị cao nhất đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là thực hiện tốt bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về TP Hồ Chí Minh và giao UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý vận hành khai thác dự án đường cao tốc.
Theo đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài có điểm đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 tại Km 53+850 (trước Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh).
Tuyến cao tốc dài 53,5 km, mặt cắt ngang 4 làn xe tiêu chuẩn đoạn tuyến từ đường Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh) đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và 4 làn xe hạn chế ở đoạn còn lại. Dự án có tổng mức đầu tư 10.688 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của nhà nước (gồm vốn đối ứng từ ngân sách và vốn vay ODA).