Thống kê của ngành nông nghiệp địa phương cho thấy, tổng diện tích hoa địa lan phục vụ thị trường Tết của thành phố Đà Lạt đạt 35 ha (khoảng 400 nghìn cành). Hiện tỷ lệ hoa nở rộ trung bình khoảng 70%.
Theo nhiều nông dân, nguyên nhân hoa nở sớm bởi năm nay thời tiết thất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Dù các nhà vườn có biện pháp kìm hãm sự phát triển của hoa như dùng lưới đen che tối vườn, hạn chế chất dinh dưỡng hay dùng lưới bọc cho hoa… nhưng kết quả đạt không cao.
Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn hoa Quỳnh Anh ở phường 8, thành phố Đà Lạt cho biết, tương tự năm 2017, vườn địa lan khoảng 5.000m2 của gia đình nở khoảng 70%, ảnh hưởng đến sản lượng hoa đưa ra thị trường dịp tết.
Do hoa nở sớm nên hiện ông phải cắt và bán cành với giá 40.000 – 70.000 đồng/cành. Giá địa lan cắt cành tương đương khoảng 1/10 giá hoa chậu bán thời điểm giáp tết nhưng vẫn phải chấp nhận để thu lại phần nào tiền công và chi phí sản xuất trong một năm.
Trong khi đa số nhà vườn thua lỗ, hộ gia đình ông Lê Thanh Hùng, thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt) có vườn lan nở đúng vào dịp tết, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Hùng chia sẻ, những vườn ở trên cao, nhiệt độ cao hơn, đón ánh nắng hàng ngày sớm nên hoa thường bị nở sớm. Trong khi vườn của gia đình lọt trong thung lũng, xung quanh bao bọc bởi những rừng thông nên độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và đón ánh nắng muộn hơn khoảng 2 tiếng. Nếu 9 giờ sáng, các vườn ở trên cao có nhiệt độ khoảng 21 độ C thì vườn của gia đình khoảng 12 độ C. Vì vậy, hoa sẽ bị hãm thời gian phát triển lại, nở đúng dịp tết. Ngoài yếu tố tự nhiên, nhà vườn phải có tác động để kìm hãm hoa nở sớm. Nếu các nhà vườn khác, bón phân vào tháng 2 thì ông Hùng bón phân vào tháng 4, chấp nhận hoa thấp hơn nhưng có lợi thế nở đúng dịp tết.
Hiện vườn của ông Hùng có khoảng 1.500 chậu hoa trổ bông để bán dịp tết; trong đó, 30% số chậu được đặt cọc mua từ trước. Trung bình mỗi chậu hoa ông bán với giá khoảng 1 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 600 triệu đồng.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, năm nay, sản lượng hoa Đà Lạt tăng không đáng kể so với năm trước, nhưng có mở rộng một số giống mới và giá tương đối ổn định. Hiện mới khoảng 5% hoa Đà Lạt được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Đài Loan, Singapore… Số còn lại được tiêu thụ trong nước; trong đó, thị trường TP Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ chiếm khoảng 70%, còn lại là Hà Nội.