Hỗ trợ tới người dân và doanh nghiệp cần nhanh hơn

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên, đến nay việc thực hiện hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), nên rà soát, kiểm tra lại các chính sách, để kịp thời điều chỉnh và sớm hỗ trợ tới người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dịch COVID-19 là đại dịch diễn ra bất thường và Chính phủ các nước đều ở trạng thái bị động. Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh là nhờ có đối sách đúng đắn. Song, kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp và thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp thì cả nước lại đang thận trọng, vì sợ làm trái với pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, sợ hỗ trợ không đúng đối tượng.

Thực tế, có nhiều khó khăn trong việc thực hiện hỗ trợ, ví dụ khi hỗ trợ cho người lao động không có hợp đồng thực hiện như thế nào, vì đây là đối tượng không có thường trú, tạm trú, cư trú... Thậm chí, sinh viên làm việc ngoài giờ trong nhà hàng dịch vụ, giờ nghỉ việc thì có được xem là đối tượng được hỗ trợ hay không... là những vấn đề cần xem xét, dẫn đến việc hỗ trợ chậm trễ.

Video đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ với phóng viên:

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết thêm: “Tôi nghĩ chúng ta hãy hỗ trợ đến người lao động, dù hỗ trợ đó có thể dẫn đến việc không đúng đối tượng nào đó, thì vẫn phải chấp nhận một tỷ lệ, vì cuối cùng cũng là tiền của dân. Với tinh thần nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, đừng sợ việc hỗ trợ không đúng đối tượng”.

Về vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quốc hội chia sẻ với Chính phủ vì đây là tác động bất khả kháng. Việt Nam chấp nhận bội chi nhích lên và nợ công tăng lên, nhưng phải nhìn về dài hạn, tức là những năm sau khi kinh tế các nước trong khu vực và trong nước được hồi phục. Vì vậy, cần hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà cả những doanh nghiệp lớn, có uy tín tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Nếu những doanh nghiệp này bị phá sản, thì khó có các doanh nghiệp khác thay thế".

Tại Điều 2 của Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 
đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có quy định sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chỉ nên đặt tiêu chí doanh thu, còn lao động thì không nên, vì số lượng lao động lớn thì doanh nghiệp càng khó khăn và chi phí cao hơn.

“Tóm lại, Chính phủ nên rà soát kiểm tra lại các văn bản, chính sách, để kịp thời điều chỉnh hỗ trợ tới người lao động đang gặp khó khăn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Liên quan đến đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc quy định sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người sẽ tách doanh nghiệp nhỏ và vừa ra làm 2 nhóm không cần thiết. 

"Như vậy, doanh nghiệp có trên 100 người sẽ không được hưởng hỗ trợ, trong khi các doanh nghiệp này sẽ phải chịu gánh nặng và chi phí nhiều hơn doanh nghiệp khác. Theo tôi, nên áp dụng hỗ trợ theo định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định số 39/CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là phù hợp”, Đại biểu Nguyễn Văn Thân đề xuất.

Còn Đại biểu Y Biêr Niê, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc quy định chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ và có 100 lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì như ở Đắk Lắk, có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng hơn 100 lao động, nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Nếu chiếu theo quy định này thì doanh nghiệp sẽ không được hỗ trợ.

“Cần đánh giá đúng đối tượng doanh nghiệp được miễn giảm chứ không có doanh nghiệp khó khăn lại không được hỗ trợ. Mặt khác, có những doanh nghiệp có dưới 100 lao động đóng bảo hiểm xã hội và doanh thu 50 tỷ, nhưng vừa qua lại hoạt động hiệu quả, lãi cao, thì những đối tượng đó cũng đó cần cân nhắc để tạo sự công bằng”, Đại biểu Y Biêr Niê cho biết.

Thu Trang/Báo Tin tức
Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19
Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, sáng 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng: Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, NHNN và toàn hệ thống các NHTM trong thời gian qua đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tập trung mọi nguồn lực nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN