Nhiều năm qua, để bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc cho các cơ sở ngành nghề nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, 5 nghề truyền thống được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã công nhận gồm nghề làm bún Long Kiên thuộc phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa; nghề sản xuất rượu Hoà Long, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa; nghề làm bánh hỏi An Nhứt, muối An Ngãi thuộc huyện Long Điền; nghề chế tác sò ốc mỹ nghệ, thành phố Vũng Tàu và làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền.
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh vừa tổ chức bàn giao hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất cho 10 hộ làm nghề sản xuất bánh tráng, ở xã An Ngãi, huyện Long Điền. Chương trình này được triển khai theo Quyết định số 1629/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phê duyệt kế hoạch, nhiệm vụ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Mười hộ sản xuất bánh tráng ở xã An Ngãi, huyện Long Điền được hỗ trợ các vật tư, trang thiết bị như hệ thống lò tráng bánh bằng điện, hệ thống mái che, nâng nền, sửa chữa khu vực tráng bánh, sân phơi… với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Nghề làm bánh tráng An Ngãi có trên 50 năm hình thành và phát triển, đến nay toàn xã có 128 hộ tham gia làm nghề - chiếm 58,72% tổng số hoạt động ngành nghề nông thôn toàn xã, phân bố rải rác trên địa bàn 5 ấp gồm An Hòa, An Bình, An Phước, An Lộc và An Thạnh. Năm 2022, làng nghề bánh tráng An Ngãi được công nhận là làng nghề truyền thống.
Bà Đặng Thị Son, xã An Ngãi, huyện Long Điền là một trong những hộ làm nghề bánh tráng được UBND tỉnh hỗ trợ lò tráng bánh, liếp phơi chia sẻ: “Được sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước chúng tôi rất vui, từ những hỗ trợ của nhà nước đã giúp gia đình tôi có động lực để gắn bó với nghề truyền thống bánh tráng này. Cũng từ sự hỗ trợ này đã giúp người làm nghề chúng tôi nâng cao được chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định hơn”.
Bà Dương Thị Ốm, xã An Ngãi, huyện Long Điền người có 50 năm gắn bó với nghề bánh tráng. Bà cho biết, nếu như trước đây cuộc đời bà gắn bó với nghề tráng bánh quanh năm bên bếp lò đun bằng củi rất nóng nực, vừa qua được Nhà nước hỗ trợ lò tráng bánh bằng điện, bà đã không còn cảnh phải vừa tráng vừa canh củi nóng nực như trước, lò tráng bánh bằng điện vừa tráng nhanh, thuận tiện để cho ra các mẻ bánh như ý.
Chi cục Phát triển nông thôn cũng vừa tổ chức lễ bàn giao máy, thiết bị sản xuất cơ sở ngành nghề nông thôn cho cơ sở sản xuất mỹ nghệ Thanh Thêm, phường 10, thành phố Vũng Tàu.
Cơ sở sản xuất mỹ nghệ Thanh Thêm được hỗ trợ 1 máy phay cắt đồ mỹ nghệ, thiết bị có độ chính xác cao trong việc tạo hình sản phẩm đa dạng với nhiều họa tiết mang tính nghệ thuật cao. Việc hỗ trợ máy phay cắt này nhằm giúp cơ sở giảm bớt các công đoạn sản xuất thủ công, tạo ra nhiều loại sản phẩm mỹ nghệ có độ phức tạp, tinh xảo cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời qua đó, giúp nâng cao giá trị và sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Sản xuất sò ốc mỹ nghệ thành phố Vũng Tàu được công nhận là 1 trong 5 nghề truyền thống của tỉnh. Các mặt hàng lưu niệm, đồ trang sức đặc trưng như: hoa ốc, tranh ốc, thuyền làm bằng vỏ sò, chuông gió vỏ sò, móc khóa, vòng tay, bông tai… được làm từ vỏ sò, vỏ ốc, vỏ ngọc trai, sỏi, đá chủ yếu cung cấp cho các điểm du lịch trong tỉnh và một số tỉnh, thành như Phú Quốc, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hạ Long…
Anh Nguyễn Thanh Vũ, Chủ cơ sở sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm cho biết: “Được hỗ trợ máy móc công cụ hiện đại, có độ chính xác đã giúp cho cơ sở chúng tôi tạo ra được các sản phẩm tinh xảo, phong phú, đa dạng các mẫu mã tạo ra nhiều sản phẩm giá trị khi đưa ra thị trường, góp phần tăng thu nhập”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.407 hộ, cơ sở với hơn 11.600 lao động, trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25% tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, thu nhập bình quân của lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt hơn gần 3.700 tỷ đồng.
Để bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, những năm qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ. Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện hỗ trợ vật tư, thiết bị cho 26 hộ trong đó 15 hộ thuộc nghề truyền thống rượu Hoà Long, thành phố Bà Rịa; 10 hộ thuộc làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền và 1 cơ sở thuộc nghề truyền thống sò ốc mỹ nghệ thành phố Vũng Tàu.
Việc hỗ trợ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tăng nhanh giá trị sản xuất của các ngành nghề và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường và tôn tạo, gìn giữ không gian nông thôn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc hỗ trợ máy móc, thiết bị nhằm bảo tồn nghề truyền thống cha ông để lại, cùng với đó là phát triển trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ vào để giảm sức lao động, tạo ra các giá trị như thẩm mỹ của các nghề, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng thích ứng với thị trường.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, năm 2024 ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các cơ quan và địa phương liên quan khảo sát nhu cầu, tổ chức họp xét chọn, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện hỗ trợ về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền cho các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn.
“Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có xúc tiến thương mại điện tử đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo định hướng đa dạng hoá các loại hình du lịch, chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn”, ông Vũ Ngọc Đăng nói.