Hội thảo nhằm nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ những bài học quốc tế thành công; đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng và bài học thành công của các nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế.
Ông Tăng Ngọc Trường An, Chủ tịch của Ibosses Việt Nam cho rằng, so với các quốc gia đã và đang làm khởi nghiệp công nghệ cao và phát triển như Isarel, Hoa Kỳ, Trung Quốc, hay Singapore thì Việt Nam chỉ đang trong quá trình sơ khai.
"Theo báo cáo về chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2017/2018 của VCCI, Việt Nam đang đối diện với hai vấn đề cần giải quyết tài chính và công nghệ. Trong Bảng xếp hạng về điều kiện kinh doanh của 54 quốc gia, Việt Nam đang dẫn đầu ở các chỉ số: năng động ở thị trường nội địa (5/54), văn hóa chuẩn mực xã hội (6/54), cơ sở hạ tầng 10/54… Song Việt Nam đang thể các chỉ số: tài chính (39/54), giáo dục kinh doanh sau phổ thông (40/54), chuyển giao công nghệ (34/54)...Vì lẽ đó, đây là lúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup cần biết nắm bắt thời cơ phát triển và vươn lên", ông An nhấn mạnh.
Theo ông An, các doanh nghiệp nhỏ và vừa start-up đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Tuy nhiên thành công chỉ đến với những doanh nghiệp quản trị bài bản theo chuẩn quốc tế và minh bạch tài chính.
Giới thiệu về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), ông An cho biết, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhưng áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế; huy động nguồn tài chính tư nhân và sự điều hành của các chuyên gia nước ngoài.
Việc xây dựng và vận hành NIC sẽ là một quá trình dài và khó khăn, đòi hỏi các chương trình thí điểm hiệu quả và có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên như các bộ, ban, ngành cũng như các hiệp hội, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty, tổ chức giáo dục, …
Đại diện Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), ông Sharath Martin, Tư vấn chính sách ACCA Khu vực ASEAN, Úc và New Zealand, cho rằng, để mở rộng quy mô hiệu quả, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng. Theo đó, chiến lược tăng trưởng sẽ được xây dựng trên 3 lĩnh vực chính là dự báo triển vọng, cơ cấu tổ chức và hành vi.
ACCA cũng sẽ giới thiệu bộ công cụ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng để tối đa hóa cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, gọi vốn thành công bao gồm khung tăng trưởng cũng như đề xuất chi tiết các việc cần làm ngay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.