Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng

Những năm qua, nhờ triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các chủ rừng và các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn mà công tác phát triển kinh tế rừng đã tạo được mối liên kết bền vững, góp phần thực hiện chương trình phát triển và bảo vệ rừng tại tỉnh Cao Bằng đạt hiệu quả cao.

Xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc là một trong 25 xã được dự án phát triển rừng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Cao Bằng. Để đảm bảo an toàn nguồn kinh phí chi trả kịp thời, đúng đối tượng, hằng năm quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh trực tiếp chi trả tiền cho từng chủ rừng gồm các hộ, nhóm hộ và các tổ chức thông qua hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công tác chi trả được thực hiện một cách công khai, minh bạch theo đúng kế hoạch được phê duyệt, đảm bảo chất lượng.

Mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng cho thấy, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương được hỗ trợ đã đạt hiệu quả thiết thực.

Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Chị Hoàng Thị Hoa, xóm Bản Buống, xã Đình Phùng cho biết, từ khi được Nhà nước chi trả tiền từ chăm sóc bảo vệ rừng, người dân có thêm thu nhập nên công tác trồng rừng được quan tâm hơn, không ai còn dám vào rừng chặt gỗ đem bán, hay phá rừng làm rẫy như trước.

Ông Bàn Quầy Pu, Trưởng xóm Bản Buống, xã Đình Phùng chia sẻ, từ 3 năm nay, khi có chủ trương thực hiện khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng và hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ, các xóm đã ký hợp đồng ủy thác và cùng nhau bảo vệ tốt khu vực rừng cộng đồng, người dân đã nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng đầu nguồn và các diện tích rừng cộng đồng. Có những cộng đồng xóm thu nhập từ nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng chục triệu đồng mỗi năm, từ đây có nguồn tiền để trang bị chung cho xóm như làm đường, mua sắm thiết bị nhà văn hóa hoặc hỗ trợ các hộ nghèo vay để phát triển kinh tế.

Tập tục du canh du cư, phát nương làm rẫy trước đây của người dân đã ảnh hưởng đến diện tích rừng.


Tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình - một trong những xã đặc biệt khó khăn với gần 100% dân tộc Mông, Dao, trình độ dân trí không đồng đều. Trước đây, với tập tục du canh du cư, phát nương làm rẫy đã ảnh hưởng đến diện tích rừng. Nay để thay đổi tập quán người dân, người dân cùng tham gia bảo vệ rừng, sống được với rừng, các cán bộ xã đã chủ động xuống vận động người dân tham gia cam kết và nhận diện tích rừng khoanh nuôi, bảo vệ. Đồng thời hàng tháng, quý, có kế hoạch phối hợp cùng với kiểm lâm địa bàn đi kiểm tra khảo sát diện tích rừng của các hộ dân và cộng đồng trên địa bàn và đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng.

Ông Hà Văn Đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ca Thành phấn khởi cho biết, hiện trên địa bàn xã Ca Thành có 224 hộ, nhóm hộ và 7 cộng đồng xóm nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 4.100 ha rừng với số tiền chi trả hàng năm được hỗ trợ chi trả trên 288 triệu đồng. Số tiền này giúp các hộ dân có thêm thu nhập, tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng cho thấy, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương được hỗ trợ đã đạt hiệu quả thiết thực, tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy đã giảm đáng kể. Người dân vùng cao kết hợp bảo vệ rừng và khai thác nguồn lợi từ rừng đem lại. Đời sống được nâng cao, công tác xóa đói giảm nghèo được tiến hành bền vững.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Cao Bằng cho biết, năm 2015 cả tỉnh đã khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho trên 5.164 hộ, 623 nhóm hộ và 307 cộng đồng xóm và 2 tổ chức; tổng thu từ nguồn quỹ điều phối Trung ương và địa phương do các nhà máy thủy điện trên địa bàn chi trả trên 14 tỷ đồng. Quỹ đã chi cho chủ rừng, các tổ chức, cơ quan, các nhóm hộ gia đình và cộng đồng. Các tổ chức, cơ quan nhận giao khoán diện tích rừng sẽ được phân bổ, ký hợp đồng giao đất, giao rừng cho các nhóm hộ và cộng đồng dân cư quản lý và bảo vệ.

Hình thức khoán này đã góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Theo đó, diện tích rừng được tăng lên nhanh chóng, người dân có ý thức tham gia bảo vệ rừng một cách tốt hơn, nhờ đó diện tích che phủ rừng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cao Bằng hiện có trên 534.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là 339.484 ha, chiếm trên 63% đất tự nhiên, với 3 loại rừng là: rừng đặc dụng 14.759 ha; rừng phòng hộ 185 ha và rừng sản xuất là trên 139 ha.


Bài và ảnh: Quân Trang
Vướng mắc trong chi trả dịch vụ môi trường rừng
Vướng mắc trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

Năm 2011, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum được thành lập. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, việc chi trả DVMTR vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN