Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia khoa học, kinh tế- tài chính Việt Nam đề xuất về việc sắp xếp, tổ chức lại, thực hiện cổ phần hóa, đổi mới chính sách đầu tư… theo hướng hợp lý hơn để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động có hiệu quả tại Hội thảo “Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước- DNNN” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội.
Hiệu quả chỉ bằng 50% doanh nghiệp FDI
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Chương trình cải cách và đổi mới các DNNN đã được thực hiện rất tích cực, đặc biệt trong giai đoạn 2001-2010. Đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ra đời, nhiều tổng công ty đã thực hiện cổ phần hóa, không ít doanh nghiệp đã được sắp xếp, tổ chức lại với những quy chế quản lý tích cực hơn. Song, bên cạnh đó, nhiều hạn chế của các DNNN vẫn tiếp tục lộ diện, nhất là trong thời gian khủng hoảng và hậu khủng hoảng tài chính thế giới từ 2008 đến nay.
Ông Tuyến cho rằng: Một trong những hạn chế lớn nhất của DNNN ở Việt Nam là hoạt động kém hiệu quả, không năng động. Qua điều tra của Tổng cục Thống kê về kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2007- 2009 cho thấy: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất kinh doanh của DNNN dao động trong khoảng 3,5 - 4,3% là quá thấp, trong khi đó các doanh nghiệp FDI ở mức 9,1- 11,7%. Còn tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của DNNN là từ 6,3 - 8,2%, thấp hơn doanh nghiệp FDI (10,6-13,1%). Điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động của các DNNN chỉ bằng khoảng 50% so với các doanh nghiệp FDI.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia còn chỉ ra những mặt yếu kém của DNNN là: Biểu hiện của dấu hiệu độc quyền trong kinh doanh; công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh chậm đổi mới. Những hạn chế này của các DNNN là những trở ngại lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển theo định hướng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Do vậy, Chính phủ đã đề xuất từ đầu năm 2012 thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó việc tái cơ cấu các DNNN là nhiệm vụ trọng tâm.
Kiên quyết chấm dứt đầu tư dàn trải ngoài ngành
Để khắc phục những tồn tại trên cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và xã hội; tăng cường năng lực cạnh tranh, đại diện Học viện Tài chính cho rằng: Yêu cầu của tái cấu trúc là giảm số lượng các DNNN, nâng cao tiềm lực tài chính đủ mạnh để phát triển trong điều kiện cạnh tranh hiện nay. Đối tượng tái cấu trúc sẽ tập trung vào các DNNN có quy mô lớn là 86 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bao gồm tái cấu trúc trong từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động, thậm chí từng tập đoàn sản xuất kinh doanh. Thời gian đề xuất thực hiện từ năm 2012 - 2015.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Tái cơ cấu DNNN nên dựa trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường. Về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài NSNN trong tổng đầu tư xã hội; tái cơ cấu đầu tư công, tăng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Đặc biệt kiên quyết thẳng tay cắt những dự án đầu tư nếu không đạt các tiêu chí về hiệu quả kinh tế- xã hội, tập trung vốn cho các dự án bảo đảm hoàn thành trong hạn định và có hiệu quả cao; cắt giảm các công trình đầu tư công bằng nguồn ngân sách có quy mô quá lớn, chưa thật cấp bách, có thời gian đầu tư dài”, ông Phong nhấn mạnh.
Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho hay: Một trong những điểm nhấn trong tái cấu trúc DNNN ở giai đoạn phát triển mới là phải kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ra ngoài ngành đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Đồng tình quan diểm này, TS. Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính đã chia sẻ việc “tái cấu trúc DNNN đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn” do nhiều năm qua, một số tập đoàn, tổng công ty mở rộng đa dạng ngành nghề, đầu tư tràn lan nên hiệu quả không cao, không tạo được sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
Không ít doanh nghiệp có dấu hiệu không minh bạch trong kinh doanh, không nắm được số lỗ, lãi thực của doanh nghiệp… Vì vậy, theo TS. Hiền, DNNN không nhất thiết phải có mặt ở tất cả các lĩnh vực kinh tế. Việc thành lập các DNNN cần lựa chọn trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, đảm bảo an ninh quốc gia như: Năng lượng, viễn thông, lương thực, công nghệ cao…
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu đã trình bày các tham luận đề xuất tiếp cận theo dự án/chương trình giải quyết vấn đề tái cơ cấu DNNN; Tái cấu trúc tài chính- chìa khóa cho sự thành công tái cấu trúc DNNN; Chính sách tài chính đối với DNNN sau cổ phần hóa…
Hữu Vinh - Minh Phương