Hiểm họa từ những “bom” gas

Rất nhiều vụ cháy nổ do khí gas đã xảy ra trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung mà theo đánh giá của ngành chức năng là đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng.

Do quản lý còn chồng chéo, các điểm kinh doanh buôn bán không tuân thủ quy định, sang chiết gas lậu…, những điểm kinh doanh gas có nguy cơ trở thành “bom nổ chậm”, đe doạ tính mạng và tài sản của người dân.

Nguy hiểm luôn rình rập

Khí gas được sử dụng khá phổ biến trong các ngành công nghiệp và đời sống của người dân. Tuy nhiên, thị trường gas càng phát triển, nhu cầu sử dụng càng lớn thì nguy cơ mất an toàn càng tăng. Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, chỉ tính từ năm 2006 đến nay cả nước đã xảy ra 150 vụ cháy nổ bình gas, bình quân mỗi năm làm hơn 1.000 người chết và nhiều người thoát chết nhưng mang thương tật nặng nề suốt đời liên quan đến gas.
Còn nhớ vào cuối năm 2012, tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra một vụ cháy nổ khí gas kinh hoàng tại căn phòng trọ của vợ chồng anh Lê Minh Việt (31 tuổi) và Nguyễn Thị Hậu (29 tuổi) khiến 17 người bị bỏng nặng, sau đó 4 người đã tử vong sau 10 ngày nhập viện. Nguyên nhân vụ nổ là do vợ chồng này đã sang chiết gas trái phép từ bình loại 12kg sang các bình gas mini để mang đi bán. Trong quá trình sang chiết gas đã gây rò rỉ khí gas và gây nổ liên hoàn, thiệt hại hoàn toàn 8 phòng trọ liền kề.

Các đơn vị kinh doanh cần liên kết để kiểm soát hệ thống phân phối tránh gas giả, gas lậu.

Gần đây nhất, vào tối 31/3, chị Đinh Thị Trang (39 tuổi, quê Sóc Trăng) đang ở trọ tại hẻm 79 Bến Phú Định (quận 8) phát hiện thấy mùi gas bốc lên nồng nặc từ phòng trọ của mình, do chỗ gắn van bình gas 12 kg bị rò rỉ khí gas. Khi quay vào lấy điện thoại và một số giấy tờ ở phòng trọ và cúp cầu dao điện thì đã làm phát ra tia lửa khiến bình gas bùng cháy dữ dội. Chị Trang đã bị bỏng nặng.

Để đảm bảo an toàn cháy nổ do khí gas tại các hộ gia đình, ông Quan khuyến cáo: Người dân khi chọn mua bếp gas, bình gas và các phụ kiện bình gas nên chọn hàng chính hãng, có uy tín. Nên mua bình gas ở những cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, những nơi mình biết để tránh mua phải sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu. Kiểm tra bình gas khi nhân viên hãng mang bình tới, bình phải nguyên vẹn, không móp méo… Phải khóa van bình khi không sử dụng bếp để tránh gas phát tán ra ngoài. Sau 3-5 năm sử dụng nên thay van điều áp và ống dẫn gas. Khi phát hiện rò rỉ gas, lập tức tắt tất cả các nguồn nhiệt, cảnh báo mọi người di tản, tuyệt đối không bật công tắc, cầu dao điện hay dùng diêm, bật lửa hay bất cứ dụng cụ nào có phát sinh tia lửa điện… và khẩn trương báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp biết để xử lý kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.

Theo ông Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn và chỉ đạo về phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh), thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng xảy ra một số vụ cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh và sử dụng khí gas gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nguyên nhân của các vụ cháy nổ này chủ yếu là do bất cẩn trong việc sử dụng gas phục vụ sinh hoạt, sang chiết gas trái phép và vi phạm các quy định về an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển gas.

“Tại một số cơ sở, việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC của chủ cơ sở và nhân viên vẫn chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt nên cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Qua nhiều lần kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các vi phạm của chủ cửa hàng kinh doanh gas như tồn trữ số lượng gas vượt quá khối lượng cho phép, vi phạm trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, bố trí nơi đun nấu không đảm bảo khoảng cách an toàn…”, ông Quan cho biết.
Siết chặt quản lý

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra phát hiện các cơ sở sang chiết gas lậu trên địa bàn.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, cả nước hiện có hơn 20 triệu bình gas dùng trong sinh hoạt, trong đó bình gas “rởm” có khoảng 5 triệu bình, riêng TP Hồ Chí Minh có không dưới nửa triệu bình gas “rởm” đang được sử dụng. Bên cạnh đó, tình trạng sang chiết, nạp gas trái phép vẫn còn diễn ra với các hành vi tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau, rất khó phát hiện và ngăn chặn.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết hiện rất khó kiểm soát được tình hình sang chiết gas lậu từ bình lớn sang bình nhỏ, nhất là các loại bình gas mini, bởi các điểm này thường nằm sâu trong các con hẻm nhỏ hoặc các cơ sở này ở các tỉnh lân cận. Sau khi sang chiết sang các bình nhỏ, các đội vận chuyển sẽ vận chuyển về thành phố tiêu thụ. Ngoài ra, các vi phạm về niêm yết giá, kinh doanh hàng giả, không rõ xuất xứ, không đủ điều kiện kinh doanh… cũng đã được phát hiện thường xuyên tại các cửa hàng kinh doanh gas sau nhiều lần kiểm tra.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố hiện có khoảng 1.300 cửa hàng kinh doanh gas, trong đó có gần 1.000 cửa hàng hoạt động theo hình thức kinh doanh hộ cá thể. Trước kia, những hộ cá thể này có quyền lấy hàng từ thương nhân đầu mối đến tổng đại lý, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt, các cửa hàng dễ dàng gian lận khi trộn gas giả, gas sang chiết lậu, bình gas thiếu trọng lượng để thu lợi bất chính. Để kiểm soát tình trạng này, thành phố đã yêu cầu các cửa hàng kinh doanh gas (thuộc hộ kinh doanh cá thể) chỉ kí hợp đồng với một tổng đại lý kinh doanh gas. Điều này, khiến thị trường gas minh bạch từ nguồn cung đến tay người tiêu dùng và khi xảy ra gian lận, việc quy trách nhiệm trở nên dễ dàng đối với cửa hàng cũng như thương hiệu gas.

“Để siết chặt hoạt động kinh doanh này, thành phố cũng đã ngưng cấp phép mới cho hoạt động kinh doanh gas từ năm 2005 đến nay. Nhằm đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hoạt động của các cơ sở kinh doanh trên, Sở Cảnh sát PCCC thành phố đã phối hợp cùng Sở Công Thương, UBND quận, huyện hàng năm tổng kiểm tra ít nhất 4 lần và hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh gas thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh gas mới được tiếp tục hoạt động theo quy định pháp luật”, ông Đông cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quang Ninh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại - dịch vụ dầu khí Vũng Tàu: 

Để “triệt” các loại gas giả, gas lậu trên thị trường, ngoài việc xử lý đến nơi đến chốn các đối tượng vi phạm, các công ty kinh doanh gas cần hợp tác với nhau kiểm soát tốt hơn khâu phân phối để gas gian lận không lọt vào mạng lưới bán lẻ gas của mình. Ông Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh: Khi không có cầu thì sẽ không có cung. Mỗi người tiêu dùng hãy là những người tiêu dùng thông minh, đừng ham rẻ mà mua bình gas sang chiết lậu, vừa không đủ khối lượng lại rình rập nguy hiểm cháy nổ cao. Với các loại bình này, lượng thép không đủ sức chịu lực trong bình nên khi xảy ra cháy thì sẽ gây nổ. Trường hợp vỏ bình tốt, đúng tiêu chuẩn nhưng người ta sang chiết không đúng cũng gây nguy hiểm. Ngoài ra, nếu người dân phát hiện nơi nào có dấu hiệu sang chiết gas trái phép thì cần đấu tranh, báo ngay cho các cơ quan chức năng biết để xử lý kịp thời. 

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh: 

Để quản lý tình hình kinh doanh gas trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy nổ đối với các cơ sở kinh doanh gas, khí hóa lỏng, xăng dầu. Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết đình chỉ hoạt động các đơn vị vi phạm nhiều lần. Chúng tôi cũng kiến nghị Nhà nước cần xem xét, sửa đổi chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi sang chiết gas trái phép để có đủ sức răn đe cao đối với các đối tượng vi phạm.


Hoàng Tuyết
Nổ gas trong chung cư, hai vợ chồng tử vong
Nổ gas trong chung cư, hai vợ chồng tử vong

Hai vợ chồng đã tử vong tại chỗ sau vụ nổ nghi là nổ khí gas xảy ra ở chung cư dành cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN