Cụ thể, trong văn bản IPPG gửi Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị IPPG cho biết, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và theo chủ trương của Chính phủ sẽ kêu gọi hợp tác xã hội hóa một số hạng mục.
Vì vậy, IPPG mong muốn được góp phần vào sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, các dịch vụ, phát triển kinh tế của thành phố Phú Quốc và các khu vực lân cận thông qua việc đầu tư các hạng mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư tại sân bay Phú Quốc như: nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và đường cất hạ cánh.
IPPG cam kết thực hiện đầu tư đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các quy định của pháp luật.
IPPG là cái tên khá nổi trong lĩnh vực hàng không, ngoài việc tham gia đầu tư xây dựng Nhà ga Quốc tế - Sân bay Cam Ranh với tổng vốn đầu tư 3.735 tỷ đồng, IPPG đang đề xuất thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo.
Sân bay Phú Quốc hiện do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý khai thác. Sân bay có một nhà ga với công suất 2,5 triệu hành khách mỗi năm; một đường băng đảm bảo tiếp nhận máy bay B767, B747 – 400 và tương đương. Tính đến hết năm 2019, nhà ga sân bay Phú Quốc đón khoảng 3,7 triệu hành khách mỗi năm, vượt quá công suất của cảng.
Năm 2020 và 2021 ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVD-19. Tuy nhiên, một số nghiên cứu và dự báo của các tổ chức quốc tế đều nhận định đến năm 2024, sản lượng hành khách hàng không qua cảng sẽ khôi phục lại thời điểm trước khi có dịch và vượt mức 4 triệu hành khách mỗi năm.