Ông Csaba Haranghy, chuyên gia về nước từ Singapore cho biết, với kinh nghiệm xây dựng các nhà máy nước sạch và xử lý nước thải nên Singapore sẽ đáp ứng được những vấn đề đang tồn tại tại Hậu Giang như: xử lý nước thải, chống thất thoát trong cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, ông Csaba Haranghy mong muốn có thêm số liệu cụ thể của tỉnh Hậu Giang để có dữ liệu tiến tới thực hiện dự án được cụ thể và hiệu quả.
Bà Eszter Torda, Cố vấn Quốc tế của Công ty Aqui - sanitas (Austria) cho biết, sẽ hỗ trợ Hậu Giang thực hiện hiệu quả hơn trong kêu gọi, hợp tác đầu tư, cụ thể là trong đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước, xử lý nước thải và chất thải rắn tại tỉnh.
Theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh đang có nhu cầu lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước, xử lý nước thải và chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 90% dân cư đô thị Hậu Giang và 45% dân cư nông thôn có nước sạch sử dụng. Mục tiêu của tỉnh trong vài năm tới phải có nước sạch cho 100% dân số sử dụng.
Trong khi đó, hệ thống cấp nước sạch hiện nay của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Do tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn dẫn đến nguồn nước bị hạn chế; nguồn nước mặt bị ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, nông nghiệp; các tuyến đường ống cấp nước đã cũ, tình hình phát triển giao thông làm thất thoát nước khá lớn.
Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải đang đặt ra nhiều lo ngại. Đến nay, hầu hết các khu, cụm công nghiệp của tỉnh chưa có nhà máy thu gom nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường; toàn tỉnh chỉ mới có hai thành phố Vị Thanh và Ngã Bảy là có dự án xử lý nước sinh hoạt đô thị, các đô thị còn lại đều thải trực tiếp ra môi trường. Đối với hệ thống xử lý chất thải rắn, độc hại chưa có nhà máy xử lý hoạt động.
Cũng theo ông Lê Tiến Châu, tỉnh sẽ sẵn sàng cung cấp đầy đủ những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, chưa rõ về cấp nước, xử lý nước thải và chất thải rắn của Hậu Giang qua email, để cuộc làm việc trực tiếp sắp tới có sự hợp tác, đầu tư hiệu quả.