Clip Khám phá "thủ phủ" hành, tỏi Kinh Môn:
Hành, tỏi là sản phẩm nổi tiếng, chất lượng của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Được trồng quanh năm, với diện tích và sản lượng lớn nhất nước, vì thế nơi đây được ví như "thủ phủ" hành, tỏi của cả nước.
Năm 2017, hành, tỏi Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”. Sản phẩm này cũng được bán phổ biến tại cả các chợ truyền thống, lẫn siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Nhờ được trồng trên vùng đất bán sơn địa, phù sa màu mỡ, khí hậu thích hợp, người nông dân giàu kinh nghiệm từ khâu chọn giống, chăm sóc và bảo quản, nên hành, tỏi Kinh Môn được đánh giá cao về chất lượng. Hành, tỏ có củ to, chắc, hương vị thơm cay đặc biệt, khó nơi nào sánh kịp.
Được quan tâm, đầu tư đúng hướng, hành, tỏi đã trở thành “của làm giàu” của người dân Kinh Môn. Trong đó, tại xã Bạch Đằng - vùng trồng hành, tỏi lớn nhất của thị xã Kinh Môn, việc chuyển đổi phù hợp đất màu sản xuất nông nghiệp của xã thích hợp cho việc trồng lúa nước và các loại cây rau màu, chủ lực là cây hành, tỏi và cây ăn quả chất lượng đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Từ việc phát triển kinh tế, xã Bạch Đằng dần chuyển mình, được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2019 và sau đó là NTM kiểu mẫu năm 2022. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo vùng lúa chất lượng, vùng trồng hành, tỏi, vùng rau màu; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp (khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 100%; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật trên 60%). Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt trên 270 triệu đồng/năm.
Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết: “Bạch Đằng là xã miền núi, nằm ở phía Bắc của thị xã Kinh Môn. Vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là những khó khăn do tác động của dịch COVID-19, xã đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ phù hợp, do vậy sản xuất nông nghiệp đã giành được nhiều kết quả thắng lợi".
Hiện nay, chính quyền và người dân huyện Kinh Môn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất VietGap trên nhiều diện tích trồng hành, tỏi để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng. Hành, tỏi Kinh Môn không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU)…
Gắn bó với đồng ruộng, ông Tiên Quang Thành, đội 13, thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng tự hào chia sẻ: Cây hành, cây tỏi là thế mạnh và thu nhập chính của người nông dân trong xã, với năng suất khoảng 4,5 - 5 tạ/sào.
“Mong muốn của người nông dân chúng tôi là các nhà khoa học nghiên cứu loại thuốc sinh học vừa diệt được sâu bệnh cho cây hành, vừa đảm bảo được hiệu quả năng suất, giúp người nông dân không phải sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng độc hại tới môi trường.
Chúng tôi thu hoạch hành, tỏi vào mùa mưa, nếu được chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ đầu tư lò sấy (cho ra những mẻ sấy lớn) thì người nông dân chúng tôi vừa nhàn, vừa đảm bảo chất lượng cho nông sản.
Người nông dân cũng mong muốn Nhà nước bảo đảm đầu ra cho người nông dân, tránh việc tiêu thụ bị thương lái ép giá. Lãnh đạo các cấp địa phương thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm mới, nhập giống hành mới kháng được sâu bệnh và cho năng suất cao”, ông Thành bày tỏ.
Đến nay, trong số các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận thì có tới 2 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao đều từ thế mạnh cây hành, cây tỏi của Kinh Môn như: Tỏi đen Vietkiga, rượu tỏi (4 sao), tỏi mật, vang tỏi đen Vietkiga, siro tỏi đen Vietkiga, hành khô Kinh Môn, tỏi khô Kinh Môn (3 sao).