Tổng lãnh sự Lê Viết Duyên (trái) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại trụ sở Tổng lãnh sự Việt Nam tại Tây Australia ở thành phố Perth. Ảnh: Sao Băng |
Theo ông Lê Viết Duyên, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, nông lâm thủy sản, có giá trị sản phẩm cao, có giá thành cạnh tranh và đó là lợi thế khi xuất khẩu hàng sang Tây Australia. Hiện tại các mặt hàng như thủy sản tôm, cá ba sa đông lạnh, cà phê, hạt điều đang bán tốt tại thị trường phía Tây “xứ xở chuột túi” này.
Ngoài ra, Việt Nam là nhà sản xuất tương đối lớn về đồ điện tử, điện thoại di động, và đây là những sản phẩm có nhu cầu rất cao ở những nước phát triển như Australia. Ngoài ra, sản phẩm may mặc, thời trang, da giày, đồ gỗ, đồ gia dụng, đồ gốm, sứ, thủ công mỹ nghệ, cũng là những mặt hàng rất có tiềm năng. Tổng lãnh sự Lê Viết Duyên cho biết hiện tại đồ gỗ gia dụng của Việt Nam là một thế mạnh khi một công ty cách đây 5 năm chỉ nhập khoảng 2 container mỗi tháng nhưng thời gian gần đây nhập tới 20 container /tháng.
Do tại bang Tây Australia đang trong quá trình phát triển nên lĩnh vực xây dựng là ngành kinh tế mũi nhọn với nhu cầu về trang trí, nội thất rất lớn. Tổng lãnh sự cho rằng những sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam có lợi thế về giá cả, đặc biệt đối với thép, khung thép, gạch lát nền, gốm sứ hay các sản phẩm trang trí ngoài sân vườn… do vậy, các doanh nghiệp nên tìm hiểu để xuất khẩu.
Triển vọng và thuận lợi cũng nhiều, song Australia là một thị trường rất khó tính và các doanh nghiệp muốn hợp tác làm ăn tại Tây Australia cũng gặp không ít khó khăn. Theo lời khuyên của Tổng lãnh sự Lê Viết Duyên, do yêu cầu cao của thị trường này, nên việc đầu tiên phải bảo đảm chất lượng, thời gian cung cấp hàng, số lượng theo đúng đơn hàng, bảo đảm giá thành theo mức cạnh tranh. Bao bì mẫu mã phải cập nhật, phù hợp với thị trường. Ở thị trường Tây Australia, bao bì, mẫu mã thay đổi tương đối nhanh, liên tục cập nhật đáp ứng thị hiếu của thị trường.
Việc kiểm dịch đồ gỗ, sản phẩm nông nghiệp rất chặt chẽ, không cho phép trái cây chưa được xử lý, đồ gỗ chưa được chiếu xạ, chưa được xử lý về nấm mốc vào thị trường này. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý để tránh xảy ra việc hàng hóa bị chặn ngay tại “cửa ngõ” vào nước này, hơn nữa những công ty vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, trong khi khách hàng sẽ ngừng nhập, hủy bỏ hợp đồng gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Tại thị trường bang Tây Australia, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu nhưng đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia vốn cũng rất muốn tăng thị phần, nên đặt ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Để khắc phục những khó khăn này, Tổng lãnh sự Lê Viết Duyên cho rằng ngoài tăng cường nội lực sản xuất, duy trì giá thành, mẫu mã…, cần tăng cường quảng bá, giới thiệu về sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ. Ngoài ra cần xây dựng những mối liên kết với các doanh nghiệp có hệ thống phân phối tại địa bàn ví dụ như các chuỗi siêu thị, hay là các doanh nghiệp của Việt Nam, Việt kiều đang làm ăn, kinh doanh tại địa bàn. Trên cơ sở quan hệ song phương tốt đẹp, hai bên vẫn cần thúc đaqảy quan hệ giao lưu giữa các doanh nghiệp, người dân để tăng cường sự tin cậy, hiểu biết giữa hai bên. Khi quan hệ hai bên tốt đẹp, thiện cảm của người dân đối với sản phẩm của Việt Nam cũng rất cao.
Tổng lãnh sự Lê Viết Duyên cho biết trong thời gian tới sẽ xúc tiến, hỗ trợ các doanh nghiệp để làm sao đưa được thêm nhiều sản phẩm của Việt Nam giới thiệu cho bạn bè Tây Australia như lụa, cà phê, bia Sài Gòn. Ông nhận định tiềm năng phát triển quan hệ song phương trên tất cả các mặt đều rất lớn, cả về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, đặc biệt là về kinh tế thương mại. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Tây Australia sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức thêm các hoạt động quảng bá sản phẩm, văn hóa, thúc đẩy giao lưu, kết nối để tạo nhiều cơ hội giao thương hơn nữa. Vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Tây Australia – Việt Nam đã được thành lập với sự tham gia của khoảng 50 doanh nghiệp gồm của Việt Nam và Tây Australia. Ông Lê Viết Duyên bày tỏ mong muốn có thêm nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia, trở thành hội viên của hiệp hội, để qua đó tìm ra cách đi thích hợp cho riêng mình cũng như tìm đầu mối để phân phối sản phẩm, xúc tiến, quảng bá.
Kể từ khi Chính phủ mở Cơ quan đại diện Việt Nam tại bang Tây Australia năm 2012 đến nay, quan hệ hai bên được thúc đẩy trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học kỹ thuật. Về kinh tế, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Tây Australia năm 2012 là 750 triệu AUD nhưng đến năm 2014 đạt gần 1,2 tỷ AUD (tăng 160%). Việt Nam hiện là bạn hàng lớn thứ 10 của bang Tây Australia. Việt Nam xuất khẩu sang Australia nói chúng và bang Tây Australia nói riêng chủ yếu các mặt hàng về nông sản, thủy hải sản, kim khí, điện tử (điện thoại di động, điện thoại, màn hình máy tính, tivi)… Bang Tây Australia xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm chất lượng cao như lúa mỳ, lúa mạch, thịt bò và thủy hải sản tự nhiên.
Hiện tại, có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học, trung học và trường dạy nghề của bang. Về văn hóa, trong 3 năm qua, Tổng lãnh sự quán đã xúc tiến và đưa nhiều đoàn giới thiệu về văn hóa Việt Nam với công chúng và bạn bè sở tại. Quan hệ về quốc hội cũng có những bước tiến triển rất tốt đẹp, thời gian qua, Tổng lãnh sự quán đã xúc tiến thành lập Nhóm các nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam gồm khoảng 20 đại biểu quốc hội bang và Nhóm này đã có những hỗ trợ tích cực trong việc tăng cường quan hệ giữa hai bên. Về du lịch, năm 2014 có khoảng trên 70 nghìn lượt khách du lịch từ Tây Australia sang thăm Việt Nam và có khoảng trên 6 nghìn lượt người Việt Nam đi du lịch, làm ăn, tìm cơ hội kinh doanh tại thị trường Tây Australia. Việt Nam được bàn bè Tây Australia đánh giá là điểm đến hấp dẫn bởi giàu có về những câu chuyện lịch sử, cảnh đẹp phong phú trên toàn đất nước, đặc biệt các món ăn của Việt Nam hay sản phẩm may mặc như lụa được bạn bè yêu thích.