Hàng Việt mất sức mua với du khách nước ngoài khi khó hoàn thuế GTGT

Rất nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam mua hàng hóa, tuy nhiên vấn đề hoàn thuế khi xuất cảnh tại Việt Nam vẫn chưa được phổ biến và chưa được đồng thuận của doanh nghiệp. Điều này đã làm cho hàng Việt mất đi sức mua đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với chuyên gia kinh tế và pháp lý - Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight.

- Thưa TS.LS Bùi Quang Tín, ông có thể đánh giá tình hình triển khai hoàn thuế  giá trị gia tăng (GTGT) trong thời gian qua.


TS.LS Bùi Quang Tín

Qua hơn 3 năm triển khai hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh theo Thông tư 72/2014 của Bộ Tài chính, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia bán hàng hoàn thuế và số tiền hoàn khá ít. Điều này cho thấy, chính sách này chưa thực sự phát huy hiệu quả.


- Thưa ông, lý do nào khiến việc triển khai ở Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn, trong khi ở nước ngoài lại là phổ biến?


Đúng là hiện nay, chính sách hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá của người nước ngoài tại Việt Nam chưa được sự đồng thuận cũng như thu hút tham gia của doanh nghiệp Việt.


Nguyên nhân chính sách này chưa thu hút các DN tham gia do nó chưa mang lại lợi ích cho DN, nhất là kể từ khi thí điểm hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, theo Thông tư số 58/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 1/07/2014 (thay thế Thông tư 58).


Cụ thể, nếu đăng ký tham gia hoàn thuế GTGT thì DN phải minh bạch về sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa cũng như đáp ứng các quy định của Thông tư 72/2014/TT-BTC, như phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.


Chính vì vậy, hiện không nhiều DN đăng ký tham gia chương trình hoàn thuế cho du khách.


- Vậy nếu DN không tham gia chương trình hoàn thuế GTGT cho du khách nước ngoài khi xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam có gặp những bất lợi gì không thưa ông?


Thực tế, trong thời gian vừa qua, rất nhiều DN, cửa hàng đã lợi dụng thủ tục thông thoáng để trốn thuế, không minh bạch, hàng hóa có nguồn gốc, chất lượng không rõ ràng... Điển hình như vụ Khải Silk, khi khách mua hàng ở những nơi này nhưng lúc đem hóa đơn chứng từ ra sân bay lại không được giải quyết hoàn thuế; thậm chí du khách mua nhầm hàng hóa không đúng chất lượng, nguồn gốc và từ đó họ mất niềm tin ở hàng hóa Việt Nam cũng như gây thiệt hại cho hình ảnh Việt Nam, gây thất thu ngân sách.


Ngoài ra, mục tiêu quảng bá hàng Việt Nam đối với du khách quốc tế hay còn gọi là xuất khẩu tại chỗ không đạt được mục đích. Điều này đồng nghĩa, nếu DN không tham gia chương trình hoàn thuế này, việc thúc đẩy các du khách quốc tế tăng chi tiêu mua hàng hóa của Việt Nam sẽ khó khăn; đồng thời việc quảng bá thương hiệu Việt, văn hóa dân tộc thông qua các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam cũng không được đẩy mạnh… Đặc biệt, điều này cũng sẽ không góp phần hoàn thiện chính sách thuế Việt Nam.


- Thực trạng về tình hình minh bạch hoá kinh doanh hàng Việt hiện nay như thế nào, thưa ông?


Một thực tế hiện nay là DN tham gia bán hàng hoàn thuế thì không bán được hàng, còn ngược lại DN bán được nhiều hàng lại không tham gia. Hay như hiện có nhiều điểm bán hàng nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, được du khách quốc tế ưa chuộng, mua khá nhiều các mặt hàng như sơn mài, thủ công mỹ nghệ, áo dài... nhưng các cơ sở này phần lớn của tư nhân, hộ cá thể gia đình nên không đáp ứng điều kiện để được công nhận điểm bán hàng hoàn thuế vì các cửa hàng này không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ đúng theo quy định của pháp luật và kê khai, nộp thuế GTGT không theo phương pháp khấu trừ.

Việc minh bạch thông tin hàng hóa Việt cũng như tăng cường truyền thông hoàn thuế GTGT sẽ giúp du khách nước ngoài đến Việt Nam mua hàng Việt nhiều hơn. Ảnh: MT

Cùng với đó, DN bán hàng hoàn thuế phát hành hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vẫn còn mắc một số lỗi cơ bản về thể hiện các tiêu chí trên hóa đơn (viết thiếu ngày, thiếu chữ ký, thiếu đóng dấu, tính nhầm thuế, viết sai tên hành khách, không thể hiện hàng hóa bằng tiếng Việt...) cũng khiến cho việc hoàn thuế khó thực hiện.


Ngoài ra, một số DN lữ hành vì lợi nhuận nên chỉ tổ chức đưa du khách đến các điểm tham quan, mua sắm quen mà không thuộc địa điểm được công nhận hoàn thuế, nên du khách cũng không biết đến chương trình hoàn thuế và không được hưởng chương trình hoàn thuế khi mua hàng hóa.


Tour du lịch 0 đồng là một mô hình kinh doanh mới và khá thú vị trong thời gian gần đây khiến cho du khách quốc tế đang ngày càng tỏ ra lo sợ hơn. Xét về bản chất thì đây là một mô hình kinh doanh du lịch giá rẻ. Mô hình này được cho là đã góp phần giúp Việt Nam thu hút thêm được khá nhiều du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, tour du lịch 0 đồng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và nguy cơ tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, công bằng và dễ dàng ngày càng mất nhiều du khách hơn.


Với việc làm này, du khách quốc tế sẽ gặp vô vàng những khó khăn khi hoàn thuế GTGT tại 9 cửa khẩu quốc tế hiện nay (5 sân bay quốc tế và 4 cảng biển quốc tế) vì chất lượng hàng mua không đúng với nội dung kê khai trên hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hoá đơn giả mạo hoặc không đúng hoá đơn khấu trừ từ các cửa hàng bán hàng không được hoàn thuế GTGT, hoặc hoá đơn GTGT ghi sai thông tin hàng hoá, …


- Vậy nhà nước cần có giải pháp gì để thực hiện tốt chính sách hoàn thuế GTGT?


Theo tôi, giải pháp là nâng cao minh bạch hoạt động kinh doanh hàng Việt để tăng cường hoàn thuế GTGT cho du khách khi xuất cảnh, từ đó tăng sức hấp dẫn cho du khách quốc tế.


Song song đó, tăng cường quảng bá du lịch, đẩy mạnh công tác truyền thông và mở rộng cửa hàng bán hàng được hoàn thuế GTGT. Bởi hiện nay, khách du lịch quốc tế biết đến chương trình này chưa nhiều, chủ yếu chỉ biết một phần sau khi đã đến Việt Nam.


Cụ thể, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần đẩy mạnh phổ biến thông tin đến các DN lữ hành, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương hoàn thuế GTGT tại các triển lãm, hội chợ giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam được tổ chức trong và ngoài nước. Cần tăng cường việc phát tờ rơi tuyên truyền về chương trình hoàn thuế GTGT và thông tin về các điểm bán hàng cho khách du lịch, Việt kiều trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.


Bộ Ngoại giao cũng cần tiến hành tuyên truyền thông tin hoàn thuế tại các Đại sứ quán, các ngày hội văn hóa Việt Nam tổ chức tại nước ngoài. Chuẩn hóa các bảng chỉ dẫn, logo nhận biết tại các cửa hàng chấp nhận hoàn thuế, nhằm tạo ra hình ảnh chuyên nghiệp về chương trình hoàn thuế.


Về lâu dài, Nhà nước cần mở rộng thêm đối tượng bán hàng hoàn thuế GTGT cho cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Ngành thuế cần tiếp tục rà soát các DN có tiềm năng, bán hàng hoàn thuế GTGT để tổ chức phổ biến, tuyên truyền khuyến khích DN tham gia bán hàng hoàn thuế GTGT.


Cơ quan thuế cũng nên cập nhật kịp thời danh sách DN, cửa hàng đăng ký bán hàng hoàn thuế GTGT đã được xét đủ điều kiện lên website của Tổng cục Thuế và Cục thuế địa phương.


Xin cảm ơn ông!

Hải Yên/Báo Tin tức
Thí điểm hoàn thuế GTGT: Người mua, kẻ bán đều hưởng lợi
Thí điểm hoàn thuế GTGT: Người mua, kẻ bán đều hưởng lợi

Bắt đầu từ ngày 1/7/2012, Việt Nam sẽ áp dụng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khâu sân bay Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với thời gian thí điểm trong vòng 2 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN