Núi liên tục nứt, lún, sạt lở…, tiến độ thi công công trình tái định cư không kịp tiến độ, người dân chưa muốn vào ở tại khu trái định cư đã xây dựng… và họ vẫn tiếp tục sống thấp thỏm sống dưới chân núi Đầu Voi trước nguy cơ bị đất đá chôn vùi không biết lúc nào. Đó là tình trạng của hàng trăm hộ dân thuộc thôn 1 và thôn 2 tại xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam .
Rất nhiều nhà ở khu tái định cư núi đầu Voi xây dựng rồi bỏ không cho... bò ở. (Ảnh: phapluatvn.vn) |
Trong thời gian gần đây, núi Đầu Voi (thuộc địa phận xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) liên tụt bị sụt lún, nứt, đã xuất hiện đường rãnh nứt dọc đỉnh núi kéo dài khoảng 300 m, với bề ngang rộng từ 20 cm đến 30 cm. Hơn 170 hộ gia đình sống gần chân núi Đầu Voi thuộc diện phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão năm 2011. Để thực hiện việc di dời, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo xây dựng 2 khu tái định cư Nà Gang - Hố Ốc và Hố Rêu. Khu tái định cư Nà Gang - Hố Ốc đã được đầu tư xây dựng và tiến hành bàn giao mặt bằng cho 51 hộ dân xây nhà.
Theo kế hoạch, Khu tái định cư Hố Rêu cũng được hoàn thành và bàn giao mặt bằng trước mùa mưa bão năm 2011 để 60 hộ dân xây nhà và ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ nằm trong “kế hoạch”. Đến cuối tháng 9/2011, khu tái định cư Hố Rêu mới đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và chưa bàn giao được cho bất cứ hộ dân nào. Ông Phan Hồng Phát, chuyên viên Văn phòng UBND xã Tiên An cho biết: do thời gian gấp gáp và liên tục có mưa lớn trên địa bàn nên tiến độ thi công khu tái định cư Hố Rêu đã không hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Hiện UBND xã đang đốc thúc các đơn vị thi công tiến hành, tuy nhiên cũng phải đến đầu năm 2012 mới có thể bàn giao mặt bằng cho người dân làm nhà ở.
Khu tái định cư Hố Rêu thì chưa làm xong, còn khu tái định cư Nà Gang - Hố Ốc đã được bàn giao cho các hộ dân, nhưng có một thực trạng đáng buồn là hiện có hơn 20 hộ dân không chịu vào ở, vẫn tiếp tục bám trụ tại nơi cũ để sản xuất, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, mặc dù đã có đất ở, tiến hành làm nhà nhưng khoảng 45 hộ dân ở khu tái định cư Nà Gang - Hố Ốc vẫn thường xuyên đi về giữa nơi ở cũ và nơi ở mới để tiện cho việc chăn nuôi, sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Long, Bí thư chi bộ thôn 1, xã Tiên An cho biết: do đất đai canh tác cũng như tài sản vật nuôi của người dân vẫn còn ở nơi cũ nên những hộ dân vẫn tiếp tục đến tại đây sản xuất. Nguyên do sâu xa bởi người dân ở đây cũng nghèo, chỉ có mấy sào ruộng với vài con trâu bò hoặc lợn nên họ phải bám trụ để giữ tài sản. Đến mùa mưa bão, chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu các hộ dân này di dời về ở tại nơi tái định cư để đảm bảo an toàn.
Những hộ có tài sản bám trụ ở lại là có lý do, nhưng những hộ không có tài sản thì vẫn bám trụ ở đây là điều đáng ngạc nhiên?! Nguyên nhân là khi có quyết định xây dựng khu tái định cư Nà Gang - Hố Ốc, tiêu chuẩn của mỗi hộ dân thuộc diện di dời đến đây sẽ được cấp 300 m2 đất ở và 900 m2 đất sản xuất. Tuy nhiên, đất ở tại khu tái định cư đã được bàn giao, nhưng đất sản xuất thì chưa hộ nào nhận được. Ông Phan Dõng, thôn trưởng thôn 1, xã Tiên An cho biết: nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang do người dân không đến ở là do họ chưa có đất sản xuất, hệ thống đường sá đi lại chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, dẫn đến việc đi lại còn khó khăn; hệ thống nước tự chảy không có người quản lý, có tình trạng “mạnh ai nấy dùng” nên hàng chục hộ dân không có nước dùng là điều tất nhiên. Vì không có đất sản xuất nên những hộ dân tại khu tái định cư tiếp tục bám trụ tại những khu vực gần chân núi Đầu Voi (nơi có nguy cơ sạt lở rất cao) để làm thuê làm mướn, kiếm sống qua ngày, nguy cơ tính mạng bị uy hiếp là rất lớn, nhưng vì miếng cơm manh áo buộc họ phải cá cược tính mạng để lo miếng ăn hàng ngày.
Đ ầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở là chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Nam, vì vậy các đơn vị thi công cần thực hiện đúng kế hoạch để người dân sớm được sống ở những khu vực an toàn. Bên cạnh đó, cần đảm bảo đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng để tránh tình trạng lãng phí khi công trình được đầu tư hàng chục tỷ đồng mà vẫn thiếu điều kiện cho cuộc sống, khiến người dân không muốn đến ở./.
Nguyễn Sơn